• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

Sau thời gian khôi phục kinh tế với những thành tựu ban đầu, miền Bắc đã có sự chuyển biến quan trọng. Để tiếp tục đưa đất nước đi lên, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh- lực lượng chủ đạo của toàn bộ nền kinh tế nước nhà.

Phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền Bắc. Theo chủ trương của Đảng, hợp tác hoá nông nghiệp được kết hợp chặt chẽ với cải tiến kỹ thuật và phát triển sản xuất, hợp tác hoá đi đôi với thuỷ lợi hoá và tổ chức lại sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Lao động tập thể đã giúp cho đoàn viên, thanh niên khắp các vùng nông thôn miền Bắc phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đã đổi thay dần cả một nếp sống, một phong cách lao động thụ động xưa cũ.

Thanh niên nông thôn không chỉ tham gia và góp phần mở rộng, củng cố phong trào hợp tác hoá nông nghiệp mà còn tích cực tham gia đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp. Trong đó, thuỷ lợi được coi là biện pháp hàng đầu và cũng là nơi có nhiều khó khăn, gian khổ nhất, đòi hỏi sự sáng tạo, lòng dũng cảm và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Các cấp Đoàn và Hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đã động viên hơn một chục vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia xây dựng công trình đại thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải để dẫn nước sông Hồng về tưới cho đồng ruộng các địa phương trên. Ngày 20-9-1958, Bác Hồ đã trực tiếp đến thăm công trình này, Người ân cần căn dặn: “Cán bộ và đồng bào phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt. Công trình Bắc – Hưng- Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng thêm…Đảng viên và Đoàn Thanh niên phải xung phong “làm đầu tàu, làm gương mẫu”…”

Làm theo lời Bác dạy, hàng trăm đội Thanh niên xung kích đã ra đời, xông pha đảm nhận những công việc ở những nơi gian khổ nhất. Thi đua với đoàn viên, thanh niên ở công trình Bắc – Hưng – Hải, tuổi trẻ nông thôn miền Bắc đã đẩy mạnh phong trào làm thuỷ lợi, đào mương, đắp đập, hoàn chỉnh các hệ thống nông giang, đảm bảo đủ nước, chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng.

Chỉ trong 3 năm (1958- 1960) cải tạo và phát triển kinh tế ở miền Bắc, tuổi trẻ nông thôn đã đóng góp 72,25 triệu ngày công lao động, đào đắp 116,2 triệu m3 đất đá để xây dựng các công trình thuỷ lợi; phục vụ thâm canh tăng năng suất, góp phần giải quyết cơ bản nạn hạn hán, úng lụt kéo dài.

Phong trào làm phân bón, cải tiến công cụ, khai hoang phục hoá… cũng thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên nông thôn miền Bắc tham gia. ở ngoại thành Hà Nội, đoàn viên Nguyễn Thị Hoàn đã nêu kỷ lục “Kiện tướng nghìn cân” và chỉ trong một thời gian ngắn, chính Hoàn đã tự phá kỷ lục từ 1000 kg đến 3000 kg rồi 6000 kg/ tháng. Khắp các vùng nông thôn miền Bắc, tuổi trẻ đã noi gương, thi đua cùng kiện tướng Nguyễn Thị Hoàn để rồi xuất hiện hàng loạt các “Phó kiện tướng" làm phân bón trong phong trào “sạch làng tốt ruộng” ”. ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) có Lê Thị Mến đạt 4000 kg. ở Nam Định có Cao Thị Min đạt 5200 kg… Các chi đoàn Đông Phong (Hòa Bình); chi đoàn Minh Long (Thái Bình) “Các kiện tướng Nguyễn Thị Hoàn, Lê Văn Đây (thương binh cụt một tay), Sân Mỹ Mây (nữ dân tộc thiểu số), Trần Danh (thiếu niên) đã được vinh dự nhận phần thưởng của Bác Hồ về thành tích làm phân bón”.

Phong trào cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật của thanh niên nông thôn cũng được khởi xướng và đã thu được những thành tựu ban đầu. Tiêu biểu là tấm gương của đoàn viên Phạm Trung Pồn (Người Tày) xã Bế Triều, tỉnh Cao Bằng. Anh bị mù cả hai mắt vẫn dám nghĩ, dám làm, kiên trì cải tiến được tới 11 loại công cụ cầm tay như cày 51 thay cho cày chìa vôi; bừa sắt thay cho bừa tre… ở Hoà Bình, thanh niên xã Liên Phương cũng cải tiến, sử dụng 100% cày cải tiến thay cho cày chìa vôi; 90% xe thô sơ và xe cải tiến thay cho quang gánh; giải phóng cho đôi vai… Phương pháp ủ chua thức ăn cho lợn; ngâm ủ lúa giống trong nước “3 sôi 2 lạnh”… cũng được áp dụng rộng khắp các vùng nông thôn miền Bắc.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Chỉ tính riêng những năm học từ 1957 đến 1959 đã có “443 sinh viên và 1039 học sinh trung cấp nông nghiệp và hàng nghìn cán bộ sơ cấp kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi”.

Trong không khí thi đua tưng bừng, sôi nổi, tuổi trẻ nông thôn miền Bắc đã góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp qua các phong trào làm thuỷ lợi, làm phân bón, cải tiến công cụ, khai hoang phục hoá, học tập khoa học kỹ thuật để đưa vào áp dụng trong thực tiễn… Họ đã góp công lớn trong việc đẩy tổng sản lượng lương thực toàn miền Bắc năm 1959 đạt tới 5,15 triệu tấn. Năm 1960, dù bị thiên tai nặng vẫn đạt 4.212.000 tấn, vượt hơn năm 1957 tới 30 vạn tấn.

Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân, thanh niên xung phong đã lao động dũng cảm, góp phần khôi phục, phát triển hệ thống giao thông, nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp. Để kịp thời tổ chức và động viên tuổi trẻ phát huy vai trò của mình, Trung ương Đoàn; Trung ương Hội đã phát động phong trào “Lao động kiến thiết Tổ quốc”, đồng thời mở thêm một số cuộc vận động như: Làm đúng giờ, chống tham ô, lãng phí…nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên công nhân tham gia tích cực vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.

Trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hầm mỏ… ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng đoàn viên, hội viên, thanh niên đầy nhiệt huyết. ở Hà Nội, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được sửa chữa, khôi phục sau cuộc hành trình di chuyển gian khổ từ Việt Bắc về Thủ đô; nhà máy xe lửa Gia Lâm; nhà máy điện Yên Phụ… sau những cuộc giằng co quyết liệt với giới chủ để giữ gìn, bảo vệ máy móc, thiết bị từ những năm 1955-1958, nay được các đoàn viên, hội viên, thanh niên góp hàng vạn ngày công lao động để khôi phục, sửa chữa, vận hành với công suất ngày càng cao…

Trong 3 năm (1958-1960), với tinh thần “Lao động kiến thiết Tổ quốc” và “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm”…đoàn viên, thanh niên công nhân Hà Nội đã có "4.995 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất từ 10 đến 200 % và thu nhặt được trên 628 tấn nguyên vật liệu…Nhiều điển hình cá nhân như Nguyễn Thế Nghĩa, công nhân nhà máy cơ khí Gia Lâm trong một năm có 10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó có sáng kiến tăng năng suất 900% và đã trở thành lá cờ đầu của thanh niên công nhân miền Bắc”.

Số lần đọc: 917

Tin liên quan