• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

Ngày 5/8/1964, sau khi trắng trợn gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ cho không quân tiến hành đánh phá các mục tiêu quan trọng ở miền Bắc như Vinh, Thanh Hoá, Quảng Ninh… mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xâm phạm chủ quyền một quốc gia độc lập. Tuổi trẻ cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước.

Với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc, chỉ 4 ngày sau khi Mỹ cho máy bay và tàu chiến đánh phá miền Bắc (9-8-1964), 26 vạn lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội đã xuống đường tuần hành, biểu thị quyết tâm chống Mỹ xâm lược với tinh thần “Ba sẵn sàng”:

1. Sẵn sàng chiến đấu.
2. Sẵn sàng nhập ngũ.
3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần.

Chỉ trong một tháng từ sau ngày 9-8-1964 đã có 1,5 triệu nam nữ thanh niên ở tất cả các tỉnh miền Bắc đăng ký “Ba sẵn sàng”. “Ba sẵn sàng” thực sự trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của tuổi trẻ miền Bắc.

Từ Hà Nội, phong trào nhanh chóng lan rộng đến các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An. Ngay trong tuần đầu phát động, hàng trăm đoàn viên, hội viên thanh niên ở thị xã Lạng Sơn đã viết đơn tình nguyện. Trong số đó có lá đơn của 11 người con ông Lê Chí Hồ (gồm trai, gái, dâu, rể) thiết tha xin vào bộ đội. Riêng Sơn La, một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây của Tổ quốc, đã có 40 ngàn đoàn viên, hội viên, thanh niên đăng ký tham gia, trong đó có 19 ngàn đăng ký tình nguyện tòng quân lên đường giết giặc.

Ngay từ trận đầu máy bay Mỹ đánh phá một số điểm ở Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình… ngày 5/8/1964, với tinh thần “có lệnh là đi, giặc đến là đánh, đã đánh là phải thắng” thanh niên trong các đơn vị pháo cao xạ và dân quân tự vệ ở các địa phương đã thể hiện rõ ý chí và khả năng chiến đấu, đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, hạ máy bay, bắt sống giặc lái. Hải quân nhân dân Việt Nam lần đầu xuất kích với 3 tàu phóng lôi đã đánh đuổi tàu Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển nước ta. Hôm sau (ngày 6-8-1964) Hải quân nhân dân Việt Nam lại phối hợp với không quân và nhân dân các địa phương khu vực sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường, Hòn Gai… đánh thắng không quân Mỹ một trận oanh liệt mở đầu trang sử vẻ vang của binh chủng.

Nhiều chiến sỹ trẻ lần đầu đối mặt với máy bay Mỹ đã tỏ ra dũng cảm ngoan cường, kiên cường bám trận địa, bị thương không chịu rời vị trí chiến đấu. Đó là thuyền trưởng tàu 187 Lê Văn Tiếu, một cánh tay bị thương dập nát vẫn dũng cảm chỉ huy đoàn tàu bắn máy bay Mỹ. Đó là hạ sỹ Hoàng Thanh Sơn bị mảnh đạn xuyên thủng bụng, vẫn tiếp tục chiến đấu. Khẩu đội trưởng Lê Sỹ Hằng, dùng dây buộc chân gãy lên thành pháo đứng vững ở vị trí chỉ huy khẩu đội. Là binh nhất Đặng Quốc Bình, 19 tuổi được nghỉ phép về thăm nhà, trên đường về thấy máy bay Mỹ đến bắn phá đã quay lại dùng thuyền nan đuổi theo đơn vị làm nhiệm vụ tiếp đạn cho đồng đội, bị thương 3 lần, một đoạn ruột bị sổ ra nhưng vẫn bình tĩnh dùng tay nhét lại, một tay giữ bụng, một tay tiếp đạn cho đến khi ngã xuống. Đó là pháo thủ Đặng Đình Lống, sau khi bắn không trúng đích theo yếu lĩnh đã học, anh nảy ra ý định ngắm bắn thẳng vào máy bay địch khi nó bổ nhào. Chỉ một điểm xạ ngắn, anh đã bắn rơi ngay một máy bay A4 của địch. Khẩu lệnh nhằm thẳng máy bay địch mà bắn ra đời ngay trên mâm pháo, trong trận đánh đầu tiên này. Sau đó, được áp dụng bắn rơi tiếp 2 máy bay Mỹ. Bị thương lần lượt ở hai chân, anh đã dùng thắt lưng buộc mình vào càng pháo để tiếp tục chiến đấu. Đặng Đình Lống được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất ngay sau trận đánh.

Ngày 18-11-1964, tại miền Tây Quảng Bình, người chính trị viên trẻ tuổi Nguyễn Viết Xuân sau khi chỉ huy đại đội pháo cao xạ của mình phối hợp chiến đấu trong đội hình của tiểu đoàn bắn hạ một máy bay Mỹ, đã bị thương nặng, chân dập nát. Không do dự, anh đề nghị cứu thương chặt đứt chân cho khỏi vướng và yêu cầu không để các chiến sỹ biết. Anh đứng tựa vào thành công sự tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu. Thấy máy bay Mỹ vẫn liều lĩnh lao xuống cắt bom, Nguyễn Viết Xuân cố nén đau, dồn sức hô to:

- Các đồng chí! Máy bay Mỹ không có gì đáng sợ, học tập Nguyễn Văn Trỗi, các đồng chí nhằm thẳng quân thù mà bắn!

“Nhằm thẳng quân thù, bắn!” đã trở thành khẩu hiệu chiến đấu của toàn quân, toàn dân và thanh niên Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước hành động leo thang chiến tranh của Mỹ, đêm 2-1-1965, hơn 5 vạn thanh niên Hà Nội lại xuống đường, một lần nữa biểu thị quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thanh niên các đường phố, các xí nghiệp, trường học... tự tổ chức thành đội ngũ, vai khoác ba lô, lá nguỵ trang đầy người, vũ khí trong tay... hừng hực khí thế ''Ba sẵn sàng'', rầm rập đi trên các đường phố chính tổng duyệt lực lượng. Từ những cuộc hành quân vũ trang liên tiếp được tổ chức như vậy đã trở thành phong trào rèn luyện ''vai trăm cân, chân ngàn dặm'', chuẩn bị sẵn sàng để khi Tổ quốc cần có thể sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Tháng 3-1965, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và chỉ rõ: “Đối với Đoàn, cần đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung và hình thức mới”. Thực hiện “Ba sẵn sàng” đã trở thành nguyện vọng thiết tha, tình cảm cách mạng chân thành của đoàn viên, hội viên, thanh niên Việt Nam.

Ngày 1-4-1965, Trung ương Hội LHTN Việt Nam ra bản tuyên bố: ''Nước Việt Nam là một dải đất thống nhất từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, Tổ quốc chúng ta đang đứng trước một thử thách nặng nề trong lịch sử chống ngoại xâm. Giờ đây, hơn lúc nào hết, hơn 4 triệu nam nữ thanh niên miền Bắc chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng hơn 30 triệu đồng bào cả nước làm nghĩa vụ thiêng liêng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước''.

Hội nghị Ban Chấp hành TW Đoàn lần thứ IX (khóa III) họp ngày 4 đến 7 tháng 5/1965 do đồng chí Vũ Quang, Bí thư Thứ nhất TW Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN chủ trì, đã quyết định nhiệm vụ của Đoàn trong lúc này là "Đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tổ chức động viên 4 triệu đoàn viên và thanh niên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Quán triệt nhiệm vụ của Đảng, của Đoàn, Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTNVN lần thứ 5 (5/1965) đã đề ra nhiệm vụ chung của Hội: "Mở rộng hơn nữa khối đoàn kết thanh niên, đoàn kết tất cả các tầng lớp thanh niên thành một khối vững chắc, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng họ trở thành những chiến sĩ triệt để cách mạng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, ở thắng lợi cuối cùng, ra sức khắc phục khó khăn, gian khổ, tiến lên hàng đầu thực hiện tốt nhất 3 nhiệm vụ: "Sản xuất và bảo vệ sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, học tập, rèn luyện với ý chí kiên cường nhất, với quyết tâm tạo nên một năng suất lao động cao, hiệu suất công tác cao nhất với tinh thần kiên quyết chiến đấu đánh bại mọi hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, động viên mọi khả năng của toàn thể thanh niên kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng miền Nam để giữ vững tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, của cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới".

Hội nghị Ban Chấp hành TW Đoàn lần thứ 9 và Hội nghị TW Hội lần thứ 5 đã bổ sung nội dung phong trào "Ba sẵn sàng":

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ).

- Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào.

- Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến.
"Ba sẵn sàng" thực sự trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng thanh niên trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 29-7-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 105CT/TW "Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới". Chỉ thị khẳng định thanh niên là một lực lượng to lớn có giác ngộ XHCN, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, có sức khoẻ, nếu được tổ chức giáo dục và lãnh đạo tốt sẽ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH. Cho nên "vấn đề đặt ra cho các cấp ủy Đảng và các ngành là phải dựa vào Đoàn TNLĐ với hơn 1 triệu đoàn viên mà tổ chức, động viên cho được 4 triệu thanh niên nam nữ trên miền Bắc tiến lên hàng đầu trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tích cực bảo vệ miền Bắc XHCN và góp phần vào giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc".

Bản Chỉ thị đã định hướng cho tổ chức Đoàn, tổ chức Hội và phong trào thanh niên những nhiệm vụ cụ thể trên các mặt sản xuất, chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới, đồng thời coi việc ra sức củng cố Đoàn TNLĐ và tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên là một đảm bảo để vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Chỉ thị 105/CT/TW chỉ rõ nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp thanh niên là: "Cần tăng cường đoàn kết và giáo dục thanh niên ngoài Đoàn, nhất là thanh niên công nông đi đầu trong sản xuất, chiến đấu, học tập. Cần quan tâm giáo dục, rèn luyện thanh niên con em các gia đình địa chủ, tư sản, thanh niên các tôn giáo và thanh niên chậm tiến, giúp cho anh chị em đó nhận rõ tình hình và nhiệm vụ mới, đoàn kết chung quanh các chi đoàn, phân đoàn và giao cho họ những công tác thích hợp với trình độ và khả năng để giúp họ tiến bộ".

 Là người tổ chức, rèn luyện các thế hệ thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến từng bước trưởng thành của tuổi trẻ. Ngày 20/7/1965, Người kêu gọi thanh niên: "Các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt "Ba sẵn sàng", xung phong hiến dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội".

Cũng vào thời điểm này, nhân dịp Quốc khánh lần thứ XX của nước Việt Nam dân chủ độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên thanh niên. Bác khen ngợi: "Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng", đồng thời Bác căn dặn thanh niên "Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ, hi sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Tháng 12/1965, Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ XII khẳng định: "Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc ta".

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng và của Đoàn, thanh niên trong các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, giặc đến là đánh, đã đánh là thắng. Thanh Hóa anh hùng là một minh chứng lịch sử. Kể từ ngày 3 và ngày 4 năm 1965 cho đến suốt hai đợt gây chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc, cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) luôn là mục tiêu đánh phá của chúng. Tại đây diễn ra những trận chiến đấu hiệp đồng tuyệt vời giữa các quân, binh chủng, các lực lượng không quân, hải quân, bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ… lực lượng không quân trẻ tuổi lần đầu tiên xuất kích đã lập công vẻ vang. Ngày 3-4 biên đội máy bay Phạm Ngọc Lan đã bắn rơi 2 chiếc F8. Ngày 4-4 biên đội máy bay Trần Hanh bắn rơi 2 chiếc F105. Các đoàn tàu hải quân cơ động, linh hoạt chăng lưới dày đặc, góp phần hạ máy bay địch.

Các lực lượng pháo cao xạ và dân quân tự vệ ngoan cường, dũng cảm giữ vững vị trí chiến đấu. Nhiều chiến sỹ trẻ pháo cao xạ như Vũ Minh Dương, 2 lần bị thương vẫn không chịu rời trận địa, Lê Như Đắc bị ngất, nhưng khi tỉnh lại hỏi ngay: “Cầu có việc gì không? Anh em có ai việc gì không?”.

Lực lượng dân quân tự vệ Hàm Rồng – Nam Ngạn luôn tỏ ra ngoan cường, xông xáo hết vị trí này đến vị trí khác, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm. Hàn Thị Tĩnh, Trương Thị Thạch… những tay súng bắn máy bay Mỹ tầm thấp quyết liệt, khi có pháo thủ bị thương đã nhanh chóng thay thế vị trí, đảm bảo các khẩu đội pháo cao xạ có thể chiến đấu liên tục. Ngô Thị Sáu, Ngô Thị Dung và nhiều nam nữ thanh niên Nam Ngạn dũng cảm bơi ra giữa dòng sông Mã, dưới làn mưa bom của địch, cứu thuyền chở lương thực, tiếp đạn, mang lá ngụy trang cho tàu hải quân. Nguyễn Thị Hằng cùng đồng đội đã nêu cao tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu gan dạ trong nhiều đợt đánh trả máy bay Mỹ. Ngô Thị Tuyển, trong khí thế khẩn trương, quyết liệt đã vác một lúc cả hai hòm đạn nặng 98 kg, gấp 2 lần trọng lượng cơ thể mình, kịp thời tiếp đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch. Trong những ngày chiến đấu căng thẳng với máy bay Mỹ, lúc nào Ngô Thị Tuyển cũng xông xáo, lúc tiếp đạn, lúc mang cơm và nước uống cho bộ đội. Sau này, Ngô Thị Tuyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với một tiềm lực quân sự khổng lồ, đế quốc Mỹ đã sử dụng đủ mọi máy bay từ "thần sấm, con ma" đến siêu pháo đài bay B52, F111 cánh cụp cánh xoè…áp dụng đủ các thứ chiến thuật đánh phá của không quân, hải quân đánh phá ác liệt các mục tiêu trong đất liền, đánh phá cả những hòn đảo ở ngoài biển xa. Nhiều hòn đảo trở thành những túi đựng bom, đạn của không quân và hải quân Mỹ như: Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư, Hòn Mắt…. Nhưng cũng chính trong những điều kiện ác liệt đó, những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang càng bộc lộ rõ phẩm chất sẵn sàng của mình, giữa mưa bom bão đạn vẫn “rắn như thép, vững như đồng”. Đó là Thái Văn A, chiến sỹ quan trắc của đảo Cồn Cỏ, ngày đêm bám vị trí chiến đấu, kể cả lúc bom đạn địch trút xuống quanh mình dày đặc, anh vẫn bình tĩnh quan sát, thông báo kịp thời từng diễn biến để đơn vị tổ chức đánh địch có hiệu quả. Anh trở thành “Cây rađa sống" của đảo. Bùi Thanh Phong, một pháo thủ gan góc, mấy lần bị bom Mỹ vùi xuống đất, cả mấy lần anh đều đội đất đứng lên tiếp tục chiến đấu. Cùng với tập thể đảo Cồn Cỏ, Thái Văn A và Bùi Thanh Phong đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cồn Cỏ trở thành biểu tượng sức mạnh, chiến thắng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ…

Vào thời điểm quyết liệt của cuộc chiến đấu, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động phong trào giành danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Cũng thời gian này, Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam quyết định đặt cờ thưởng mang chân dung Nguyễn Văn Trỗi tặng những tập thể lập công xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất, học tập và rèn luyện. Về sau Trung ương Đoàn còn đặt phần thưởng huy hiệu mang chân dung Nguyễn Văn Trỗi tặng những cá nhân có thành tích xuất sắc. Khí thế thi đua lập công của tuổi trẻ các lực lượng vũ trang và trong mọi đối tượng thanh niên ngày càng sôi nổi. Những gương sáng về hạ máy bay địch tại chỗ, ngay từ loạt đạn đầu xuất hiện ngày một nhiều. Đó là tập thể tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân, các lực lượng pháo phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương khác… Cảnh giác cao, cơ động, linh hoạt, đón đánh địch trong mọi tình huống, đã đánh là thắng, là những chiến sỹ trẻ kiên cường, dũng cảm có quyết tâm tiêu diệt địch cao, Nguyễn Văn Mật, 26 tuổi, tiểu đội trưởng súng máy trực tiếp chiến đấu hơn 200 trận với máy bay, tàu chiến Mỹ, trận nào cũng lập công. Binh nhất pháo cao xạ Nguyễn Hữu Ngoạn, 21 tuổi, trong một năm liên tục chiến đấu 60 trận, có 3 lần bị thương vẫn không rời vị trí. Đó là các chiến sỹ trẻ trong các lực lượng tên lửa, ra đa, thông tin, hậu cần, công binh.vv… ngày đêm chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu giữ vững bầu trời và mặt biển của Tổ quốc.

Tại lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/1966) Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái, kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy Bác rất tự hào, sung sướng và như thấy mình trẻ lại”.

Đánh giá cao vai trò xung kích cách mạng của tuổi trẻ và luôn đặt rõ vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng, đặc biệt vào lúc cả nước trong tình trạng trực tiếp chiến đấu chống Mỹ, tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tin tưởng trao cho thế hệ trẻ lá cờ mang dòng chữ: “Vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản, thanh niên anh dũng tiến lên”.

Tuân theo lời dạy của Bác Hồ và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân ngày kỷ niệm thành lập Đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã ra lời kêu gọi đoàn viên và thanh n

Số lần đọc: 1162

Tin liên quan