• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
 (TTKG) Tận dụng nguồn vốn, điều kiện sẵn có của gia đình để thực hiện mô hình, phát triển kinh tế là sự lựa chọn của không ít đoàn viên thanh niên ở nông thôn hiện nay. Đoàn viên Nguyễn Xuân Bách (20 tuổi), ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận) với mô hình nuôi bồ câu giống và thương phẩm là một điển hình.

 Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Bách về phụ giúp gia đình làm nông nghiệp với mô hình tôm - lúa. Với khát khao vươn lên trong cuộc sống và kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong những lúc nông nhàn, anh Bách tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi hiệu quả trên internet. Và anh đã tìm được mô hình nuôi bồ câu thương phẩm. Được sự ủng hộ của gia đình, tháng 7-2011, anh Bách mua 50 cặp bồ câu giống từ Bình Phước về nuôi thử nghiệm (550.000đồng/cặp), cùng với 25 cái lồng (200.000 đồng/cái). Tổng kinh phí đầu tư, chuồng trại, lồng và con giống ban đầu khoảng 80 triệu đồng. Anh Bách chia sẻ về sự mạo hiểm ban đầu nuôi thử nghiệm mô hình: “Vốn đầu tư mua con giống cao, nhưng qua tìm hiểu tôi thấy bồ câu cũng dễ nuôi, giá thức ăn chăn nuôi rẻ gồm: lúa, gạo lức và thức ăn chăn nuôi. Chi phí thấp và sức ăn của bồ câu cũng không cao: cho ăn 2 lần/ngày, 100 cặp ăn khoảng 7kg/ngày, trung bình 10.000 đồng/kg thức ăn nên tôi quyết định đầu tư vào mô này”. Một lý do khác là bồ câu dễ nuôi, không nhiều dịch bệnh như các loại gia cầm khác. Bách cho biết thêm, thường bồ câu chỉ nổi đậu vào những tháng mùa đông, qua mùa thì tự hết. Khi phát hiện một số con bị nổi đậu, nuôi cách ly, thời gian sau chúng tự khỏi, người nuôi chỉ cần tăng sức đề kháng cho bồ câu bằng cách trộn vitamin vào thức ăn. Khoảng 1 tuần vệ sinh chuồng trại 1 lần, sát trùng, xịt các thuốc sát khuẩn để phòng bệnh cho bồ câu.

Từ mô hình nuôi bồ câu, anh Nguyễn Xuân Bách, đoàn viên ấp Bời Lời A,
xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận) có thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Hiện Bách chỉ nuôi một loại giống bồ câu Pháp Miman, cho thịt thương phẩm màu hồng, sản lượng trứng cao. Bồ câu nuôi lấy thịt trong  khoảng 20 ngày, đạt 700g/cặp có thể xuất chuồng, với giá ổn định 100.000 đồng/cặp. Bồ câu thịt, anh Bách thường bán cho các đầu mối là các quán ăn trên địa bàn huyện, nếu số lượng lớn (từ 150 cặp trở lên) sẽ xuất lên TP. Hồ Chí Minh. Lúc đầu, Bách chỉ định nuôi bồ câu thương phẩm, về sau anh nuôi cả con giống. 50 cặp bồ câu giống ban đầu được nuôi trong chuồng khoảng 32m2, anh để lại làm giống và chỉ mới bán vào đầu năm 2013. Tính đến nay, anh Bách đã cho xuất chuồng khoảng 500 cặp bồ câu cả giống và thương phẩm, thu được 160 triệu đồng. Hiện anh vẫn còn còn 300 cặp giống, 100 cặp thương phẩm, tổng số 800 con, ước tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng. 

Mô hình bồ câu của anh Bách phân làm 3 chuồng nuôi: chuồng nuôi bồ câu sinh sản, chuồng cho bồ câu mới biết ăn và chuồng nuôi bồ câu đã lớn tháng. Kỹ thuật nuôi bồ câu giống cũng đơn giản. Khi bồ câu còn nhỏ thì nuôi trong lồng khi bồ câu lớn phân qua chuồng nuôi lớn và đến thời điểm bồ câu sinh sản thì nuôi lại trong lồng; cho ăn ổn định  cùng một loại thức ăn, bồ câu sẽ cho trứng đều. Bồ câu nuôi từ 5-6 tháng có thể bán giống. Hiện giá bồ câu giống khoảng 600.000 đồng/cặp. Đoàn viên, thanh niên trong huyện cũng đã tìm đến mua con giống về nuôi và anh Bách cũng nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật. Ngoài việc nuôi bồ câu, anh Bách còn phân phối thức ăn cho bồ câu và làm đầu mối thu mua bồ câu để xuất ra thị trường ngoài tỉnh. Hướng tới, anh Bách sẽ nuôi thêm 500 cặp giống và mở rộng mô hình trang trại. Nhưng hiện anh còn vướng khó khăn về vốn, nếu thực hiện mô hình trang trại anh Bách cần khoảng 100 triệu đồng.

Đồng chí Trần Văn Le – Bí thư Xã đoàn Vĩnh Bình Nam, cho biết: “Mô hình anh Bách thực hiện có hiệu quả có thể nhân rộng cho đoàn viên thanh niên trong xã và địa bàn lân cận cùng thực hiện để nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Hiện Xã đoàn đang hoàn tất hồ sơ xin hỗ trợ vay vốn để an Bách có thể mở rộng mô hình”.

 

  •  HUỲNH ANH (T.A)
 
Số lần đọc: 38900

Tin liên quan