• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

 

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra hình tượng thơ trong Nhật ký trong tù luôn vận động hướng về sự sống, hướng về ánh sáng. Chúng tôi nhận thấy hình tượng trẻ em trong thơ Người cũng luôn vận động hướng về tương lai, ở thì tương lai, luôn hướng về những điều vui vẻ, tốt đẹp. “Búp trên cành” là ở thế phát triển hướng về ngày mai. “Mai sau cháu giúp nước non nhà”, “Tiến bộ luôn luôn”, “Ngày càng tiến bộ”, “Thu sau so với thu này vui hơn”... đều ở thì tương lai. Đây là một cái nhìn biện chứng nhất quán với quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược con người...

Hình tượng trẻ em trong thơ Bác Hồ đã được nhiều người nghiên cứu, đề cập nhưng hầu hết đều được khai thác theo hướng đi tìm ý nghĩa xã hội, giáo dục, tư tưởng. Chúng tôi đặt ra cho nhiệm vụ bài viết của mình là tìm hiểu hình tượng này một cách hệ thống, toàn diện hơn nên  đã vận dụng hướng nghiên cứu thi pháp học và liên văn bản.

Trẻ em chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong thơ nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thơ là tiếng nói của tình cảm. Bác Hồ luôn dành cho trẻ em một tình yêu thương đặc biệt nên Người làm nhiều thơ về trẻ em là điều dễ hiểu. Khảo sát 67 bài thơ tiếng Việt trong tập Hồ Chí Minh - thơ thì có tới 10 bài Bác viết về trẻ em, trong đó có 8 bài (chiếm gần 12%) Bác viết riêng cho trẻ em:

1. Kêu gọi thiếu nhi (1941)

2. Trẻ chăn trâu (1942)

3. Tặng cháu Nông Thị Trưng (1944)

4. Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II (1947)

5. Thư Trung thu 1951 (1951)

6. Thư Trung thu (1952)

7. Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 1953 (1953)

8. Gửi các cháu miền Nam (1965)

Bác Hồ dùng một hình tượng thật hay, mới lạ để chỉ trẻ em:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

                                    (Kêu gọi thiếu nhi)

Hình tượng “búp” đã diễn tả rất đúng trạng thái lứa tuổi tâm sinh lý trẻ em: giai đoạn mới bắt đầu, non tơ, tinh khiết, hồn nhiên, trong trắng và thể hiện thái độ trân trọng, nâng niu, quý mến trẻ em của Bác Hồ. Cái “ngoan” của trẻ em thể hiện ở ba phương diện chủ yếu, quan trọng: ăn, ngủ, học hành. Ở đây không chỉ đơn thuần chỉ là ăn, ngủ, học hành với ý nghĩa của những động từ thông thường mà là phải biết ăn, biết ngủ, biết học hành. Động từ “biết” đứng trước rất có ý nghĩa thể hiện tính chủ động của chủ thể trẻ em. Suy rộng ra ta có thể hiểu biết ăn ngủ, biết học hành ở các khía cạnh: giờ giấc (đúng giờ), nội dung (ăn cái gì, học cái gì), tư thế (ăn như thế  nào, học như thế nào), vị trí (ăn ở đâu, học ở đâu).... Ý thơ thật sâu sắc, toàn diện còn tình thơ thật nhân văn.

Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của trẻ em. Trong thời kỳ nước nhà còn nô lệ Người coi trẻ em cũng là một “lực lượng”, là một “bộ phận” của cách mạng:

“Nhi đồng cứu quốc” hội ta

Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh

Ấy là bộ phận Việt Minh...”

                                    (Trẻ chăn trâu)

để góp phần cứu nước:

“Người lớn cứu nước đã đành

Trẻ em cũng góp phần mình một tay”

Có nghĩa là Người đã đặt hy vọng vào các em. Khi nước nhà vừa độc lập Người đặt trọn niềm tin cũng là giao trọng trách lớn lao cho thế hệ măng non của đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” (1).

Chính từ một quan niệm như vậy nên Người dành cho trẻ em một tình thương yêu đặc biệt. Trong thơ Bác dùng các từ: trẻ, con trẻ, trẻ em, trẻ con, nhi đồng, mục đồng, cháu, cháu yêu, các cháu để gọi trẻ em. Chúng được xuất hiện với tần số cao, trong đó các từ trẻ em, trẻ con mang sắc thái biểu cảm trung tính được dùng 11 lần, cháu, các cháu, cháu yêu với sắc thái thân mật, quý mến: 25 lần, nhi đồng từ Hán Việt với sắc thái trang nghiêm: 6 lần, chỉ duy nhất 1 lần Bác dùng từ mục đồng (trẻ chăn trâu) với ý nghĩa biểu cảm dân dã, quê mùa. Có khi tên bài thơ Bác dùng từ Hán Việt để tạo ra tính chất trang nghiêm của lời kêu gọi (Kêu gọi thiếu nhi) hay sự trân trọng của một vị Chủ tịch nước (Gửi các cháu nhi đồng...) nhưng trong nội dung bài thơ Bác lại dùng từ thuần Việt (các cháu) để biểu thị tình cảm gia đình gần gũi yêu thương. Có rất nhiều các từ yêu, thương yêu, nhớ thương mộc mạc chân tình:

Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

(Tặng cháu Nông Thị Trưng)

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung...

(Thơ Trung thu 1951)

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

(Thư Trung thu 1952)

Nhớ thương các cháu vô cùng

(Gửi các cháu miền Nam)

Khi còn trong nhà lao Tưởng Giới Thạch tiếng khóc của đứa trẻ nửa tuổi vọng vào thơ Người với bao nỗi xót xa: “Oa! Oa! Oa!...”. Cái biện chứng trong thơ Bác là luôn đi tìm cái bản chất, cái linh hồn của sự vật, cái nguyên nhân của sự việc. Nếu nguyên nhân tiếng khóc của đứa trẻ trong nhà lao là vì “Cha trốn không đi lính nước nhà” thì nguyên nhân của nỗi “cơ hàn xót xa”, “vất vả” của trẻ em Việt Nam trước 1945 được Người chỉ ra: “Ấy là vì Nhật, vì Tây” (Trẻ chăn trâu). Yêu thương trẻ em nên Người có mối quan tâm đặc biệt với trẻ em. Trong ba năm đầu kháng chiến chống Pháp mặc dù phải lo vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, thế mà Người vẫn dành thời giờ viết thư cho trẻ em, năm 1947: 4 lần (thư), năm 1948: 4 lần (thư), năm 1949: 6 lần (thư) (2).

Dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất là tâm niệm của Người. Khi còn ở Liên Xô (cũ) những năm 20 của thế kỷ 20 Người đã suy nghĩ: “Cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường của tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con... Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam. Trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như trẻ em Liên Xô” (3). Ngày 17-8-1945 Quốc dân Đại hội họp ở đình Tân Trào, “trong đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đến chào mừng thành công của Đại hội có mấy em bé. Hồ Chí Minh chỉ tay vào một em bé cởi truồng, bụng ỏng đít vòi và nói: Toàn thể chúng ta đều phải tìm mọi cách làm cho đất nước sẽ sớm không còn một cháu nào như cháu này, nghĩa là tất cả các cháu đều phải được ăn no mặc ấm và được học hành đến nơi đến chốn! Thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng, tôi - Hồ Chí Minh xin thề sẽ không để cho trên Tổ quốc ta còn một cháu bé nào phải sống trong tăm tối và đói khổ như cháu bé đang đứng đây nữa (4). Trong thơ Người hứa với các em:

“Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”

(Kêu gọi thiếu nhi)

Cũng vì thế mà từ “mong” xuất hiện nhiều như một lẽ tự nhiên, như một lô gích tình cảm trong thơ Bác Hồ viết cho các em:

“Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà”

(Tặng cháu Nông Thị Trưng)

“Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành”

(Thư Trung thu 1952)

“Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi"

(Gửi các cháu miền Nam)

Cùng những lời khuyên thật chân tình:

“Khuyên cháu gắng sức

Học hành công tác

Tiến bộ luôn luôn

...

Khuyên cháu tập rèn

Ngày càng tiến bộ”

(Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II)

Bác mong muốn các cháu luôn phấn đấu (ra công, cố gắng, thi đua, gắng sức). Ở đây là sự phấn đấu toàn diện vừa học vừa hành, vừa học vừa rèn thì mới “ngày càng tiến bộ”. Trẻ em hôm nay có thể là học nhiều, học chăm, học giỏi nhưng “hành” thì còn yếu. Xét đến cùng cái sự yếu này lỗi phần nhiều ở người lớn chúng ta. Khi đất nước còn giặc giã Bác Hồ “mong sao mỗi là một anh hùng thiếu nhi”. Với thiếu nhi thì biểu hiện trước hết là ở đặc tính hồn nhiên. Bác Hồ viết “anh hùng thiếu nhi” có nghĩa là anh hùng ở tuổi thiếu nhi, của tuổi thiếu nhi nghĩa là anh hùng trong đánh giặc cứu nước nhưng vẫn phải là thiếu nhi với những phẩm chất hồn nhiên vốn có. Một lần gửi thư cho cán bộ phụ trách nhi đồng, Bác viết: “...phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm nên tránh” (5). Liên hệ điều này với cách dùng từ trên của Bác mới thấy quả là Bác sâu sắc quá. Ngôn từ thể hiện tính quan niệm. Không có lòng trân trọng, yêu thương, quý mến trẻ em không thể có cách dùng hình ảnh “Trẻ em như búp trên cành”, thể hiện niềm mong mỏi “mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi” như vậy.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra hình tượng thơ trong Nhật ký trong tù luôn vận động hướng về sự sống, hướng về ánh sáng. Chúng tôi nhận thấy hình tượng trẻ em trong thơ Người cũng luôn vận động hướng về tương lai, ở thì tương lai, luôn hướng về những điều vui vẻ, tốt đẹp. “Búp trên cành” là ở thế phát triển hướng về ngày mai. “Mai sau cháu giúp nước non nhà”, “Tiến bộ luôn luôn”, “Ngày càng tiến bộ”, “Thu sau so với thu này vui hơn”... đều ở thì tương lai. Đây là một cái nhìn biện chứng nhất quán với quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược con người: “Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng” (6). Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho tất cả mọi người và căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải chú ý “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Đó là cái nhìn thể hiện “văn hóa của tương lai” ở nhà thơ vĩ đại, nhà cách mạng kiệt xuất Hồ Chí Minh.

 NGUYỄN XUÂN NGUYÊN
 

(1) Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945. Trong sách Làm theo lời Bác Hồ dạy - NXB Kim Đồng, 1966, tr.9.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 1947 - 1949 - NXB Chính trị Quốc gia, 1995.

(3) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - NXB Văn học, 1969, tr.60.

(4) Văn nghệ số 35 (2485) ngày 1-9-2007 ghi theo lời kể của nhà văn Nguyễn Đình Thi.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5, tr 712 - NXB Chính trị Quốc gia, 1995.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5, tr 712 - NXB Chính trị Quốc gia, 1995

Số lần đọc: 4182

Tin liên quan