• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

Theo Giáo sư tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, bác có gần 200 bút danh… con số đó cho thấy khối lượng công việc của một người cầm bút như Bác rất lớn, rất chuyên nghiệp. Bác khuyên "nhà báo phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ" và Bác đã là một tấm gương lớn về việc này, vì Bác có thể viết và sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng Pháp, Nga, Trung.

Bây giờ đã sắp hết thập niên đầu của thế kỷ 21, soi rọi lại mới thấy yêu cầu "mỗi nhà báo phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ" của chúng ta chưa phải là phổ cập. Bác là người khiêm tốn nên thường chỉ tự nhận mình là "một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm làm báo", nhưng cái "ít nhiều kinh nghiệm" ấy là cả một kho tàng kinh nghiệm và không bao giờ cũ. Bác cũng rất chú ý đến sự đính chính, xin lỗi bạn đọc khi viết sai, điều mà nhiều tờ báo hiện nay còn tránh né. Có lần Bác có một sai sót nhỏ trong một bài báo "một tấn lạc đổi được 1,5 tấn gang. Do viết thiếu một dấu phẩy nên thành ra 1 tấn lạc đổi được 15 tấn gang… nên Bác đã chủ động viết một bài xin lỗi bạn đọc.

Vào thời của Bác không biết đã có công thức 5W (ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao) chưa? Nhưng những kinh nghiệm của Bác truyền lại chính là những công thức đấy, được Bác nêu ra dưới một hình thức giản dị, dễ hiểu và ngắn gọn. Bác thường nhắc nhở "viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng" tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?".

Chúng tôi nhận thấy trong tất cả những bài báo, những bài phát biểu đến ngôn phong nói chuyện, Bác đều chú ý đến tính mục đích và đối tượng, đến mục tiêu và ý nghĩa, đến sự truyền đạt nhanh, ngắn gọn, lý thuyết đi đôi với thực tiễn, dễ tiếp thu, dễ hiểu. Tư tưởng của Bác, báo chí chính là công cụ để hoạt động cách mạng, để phục vụ nhân dân, để đấu tranh với cái xấu, và tuyên truyền cho cái tốt, cái mới…

Chính vì thế mà các thế hệ nhà báo học Bác ở chỗ: Phải trả lời được ba câu hỏi trước khi viết, đó là viết cho ai? Viết để làm gì và viết như thế nào ? Trả lời được ba câu hỏi này, ý tưởng của mỗi nhà báo chúng ta sẽ dứt khoát, phương pháp thể hiện bài báo sẽ hiện ra, mục đích của bài báo sẽ rõ ràng…

Viết cho ai?

Câu hỏi này nhằm xác định đối tượng phục vụ của tờ báo. Mỗi tờ báo có một đối tượng độc giả riêng nên sẽ chọn đề tài phục vụ mục đích tôn chỉ của báo mình. Có thể với một đề tài này báo này sẽ đăng nhưng báo khác sẽ không đăng, vì đối tượng độc giả của họ khác nhau. Viết cho ai còn là câu hỏi để xác định đối tượng bạn đọc cụ thể của từng bài báo cụ thể.

Mỗi tác giả khi bắt đầu viết một bài báo cần thiết phải hình dung ra bạn đọc của mình là ai? Họ sẽ phản ứng thế nào? Họ sẽ tìm thấy điều gì trong bài viết của mình? Cũng từ câu hỏi này mà tác giả hiểu được rằng phải viết cái bạn đọc cần chứ không chỉ viết cái nhà báo cần.

Khi một tác giả viết một phóng sự về sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, thì có thể hình dung ra bài viết này dành cho những bạn đọc cả nước đang ngày đêm theo dõi diễn biến tìm kiếm và cứu trợ, đồng thời cũng hình dung đến từng gia đình nạn nhân sẽ đọc bài báo này thế nào… Làm chệch hướng đi, sẽ rơi vào sự tràn lan, pha loãng chủ thể, xa rời tôn chỉ mục đích của báo mình mà có thể sa vào dễ dãi, câu khách rẻ tiền.

Viết để làm gì?

Câu thứ hai Bác dạy nhà báo chúng ta là "viết để làm gì?". Câu hỏi này cũng không khó trả lời, nhưng làm theo không phải dễ. Đây là câu hỏi để xác định tính mục đích của bài báo. Trong vô vàn đề tài, ta chọn đề tài nào cho thỏa mãn cả ba điều: Ý nghĩa chính trị xã hội, cơ quan chủ quản và bạn đọc.

Có những đề tài hay, rất thu hút người đọc nhưng viết ra không có lợi cho đất nước thì ta có nên viết không? Có những đề tài không hay nhưng viết ra đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, cho xã hội thì nên viết thế nào? Viết về những người thầm lặng đi cắm cột mốc biên giới chắc khó hay bằng viết về một cuộc thi hoa hậu nhưng rất cần viết vì đây là vấn đề lãnh thổ chủ quyền của đất nước.

Mở một diễn đàn về nhà vệ sinh cũng cần thiết không kém một diễn đàn về văn hoá môi trường. Viết về một em gái 13 năm bị hành hạ trong một quán phở đã tạo ra một làn sóng dư luận bảo vệ thân phận con người. Câu chuyện hào hùng cách đây hơn 30 năm của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bây giờ viết lại vẫn tươi nguyên ngọn lửa truyền thống và rất đời của một thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…

Nếu nhà báo Đình Na của TTXVN nghĩ rằng chuyện của em bé bị chủ quán phở hành hạ là "chuyện nhỏ" chẳng đáng viết, viết làm gì… thì đã chẳng có một câu hỏi nhức nhối trong lòng mọi người: Tại sao người giải cứu cho em bé này lại là một bà lão hơn 70 tuổi bán thịt trong chợ chứ không phải là bộ máy chính quyền hùng hậu của địa phương?

Bác dạy: Viết để làm gì? Và Bác đã khuyên rằng "viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng" và "viết để nêu những cái hay cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta, đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội…". Song, phê bình phải đúng, đừng có bé xé ra to không cần thiết.

Vừa qua, chỉ chuyện phim sex của một diễn viên trên mạng, mà nhiều tờ báo tốn quá nhiều giấy mực, viết còn nhiều hơn cả các sự kiện đang được chú ý khác… Đồng ý là tờ báo nào cũng có những loại tin bài để phục vụ việc bán báo, nhưng dừng ở mức độ vừa phải, chừng mực. Trước khi đăng những bài về vấn đề này, nếu đặt câu hỏi "viết để làm gì?" chắc bài viết sẽ có liều lượng khách quan hơn.

Viết như thế nào?

Cuối cùng, câu hỏi thứ ba của Bác đề ra là "viết như thế nào?". Câu này nêu lên yêu cầu của bài viết, đi sâu vào kỹ thuật thể hiện của bài viết, đồng thời cũng nêu lên sự tôn trọng bạn đọc của người viết. Và Bác đã trả lời luôn, viết phải ngắn gọn, dễ hiểu, cho người dân lẫn bác học đều hiểu. Đừng sính chữ ngoại, đừng ví von so sánh cao siêu, đừng dẫn giải dài dòng tràng giang đại hải… dây cà ra dây muống…

Bác luôn nói: "Viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công". Đối với đài phát thanh (chúng ta quen gọi là báo nói) Bác cũng dặn là phải nói ngắn gọn, dễ hiểu, cái gì cần mới nói. Trong các bài phát biểu, chính Bác là một tấm gương về diễn đạt ngắn gọn dễ hiểu, ngôn ngữ giàu hình ảnh và luôn kèm chi tiết có thực để chứng minh. Điều đó tạo nên sự hùng biện, lôi cuốn.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã viết như sau: Cách đây mấy chục năm, Bác Hồ dạy thanh niên những việc cần phải theo, chỉ có mấy dòng, mà thế hệ nào cũng thuộc, cũng nhớ. Còn bây giờ, các diễn văn, nghị quyết của Đoàn thanh niên dài cả chục trang, chi chit chữ nghĩa, đọc xong không ai nhớ được gì… Nếu chúng ta không học được sự hùng biện của Bác thì cũng cố học sự thể hiện ngắn gọn dễ hiểu và chính xác, rất tôn trọng bạn đọc của Bác.

Khi nói về lời khuyên của Bác là viết "như thế nào" tôi lại nhớ đến câu tái bút của một nhà bác học nước ngoài viết thư cho người bạn: "Xin lỗi, tôi không có thời gian để viết ngắn". Đúng thế. Viết ngắn là cả một nghệ thuật, phải rèn luyện công phu và có ý thức viết ngắn "lời hẹp ý chật" mới ngắn mà hay được.

Chính Bác Hồ đã kể về việc một nhà báo Pháp hướng dẫn Bác tập viết báo như sau: "Đầu tiên anh ta bảo tôi viết một bài báo, rồi bắt tôi rút ngắn lại, rồi bảo ngắn nữa, sau đó anh ta lại bảo tôi viết cho dài ra như cũ. Tôi làm theo và quả nhiên thấy mình đã bỏ được rất nhiều câu chữ thừa". Bác khuyên: Viết xong, sửa chữa nhiều lần, đưa người khác đọc để góp ý và rút kinh nghiệm… Tưởng chuyện nhỏ nhưng lại là quan trọng. Nếu có thêm động tác đưa cho những người có chuyên môn đọc và góp ý, chắc chúng ta không phạm những sai lầm kiểu như con rắn vuông trước kia…

Theo Báo Lao Động 

Số lần đọc: 2778

Tin liên quan