• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Đam mê, theo đuổi phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, đoàn viên Phạm Thanh Vũ, ngụ ấp Sơn Bình, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất), không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, triển khai thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học tại địa phương. Mô hình bước đầu đem lại kết quả khả quan, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học trong và ngoài địa bàn huyện Hòn Đất.

Anh Phạm Thanh Vũ, ngụ ấp Sơn Bình, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất), với mô hình trồng rau thủy canh theo hướng hữu cơ sinh học

“DU HỌC” THEO TOUR

Xuất thân là con nhà nông “chính hiệu”, anh Vũ thấy người nông dân quê mình làm lúa cực quá mà không lời. Vì thế, anh muốn tìm phương pháp canh tác giảm chi phí, ngày công lao động và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Vũ thi đậu ngành khoa học cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ. Từ môi trường đại học, anh Vũ được gợi mở, học tập và tìm hiểu hướng đi phù hợp sau này. Năm 2 đại học, anh Vũ, đi làm thêm từ việc nhận lắp ráp giàn trồng rau, màu thủy canh, chăm sóc tận nhà các mô hình thủy canh quy mô hộ gia đình. Việc làm thêm này, giúp anh tích lũy kinh nghiệm và áp dụng những gì đã học ở trường, đồng thời dành dụm tiền đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm từ những nông trại ở các nước có ngành nông nghiệp tiên tiến. Anh Vũ chia sẻ: “Những kiến thức học được ở trường mang tính gợi mở. Tìm hiểu tên mạng về mô hình nông nghiệp hữu cơ ở nhiều nước thấy lạ và hay quá nên tôi tìm cách qua tham quan mô hình, học hỏi cách vận hành, đúc kết kinh nghiệm. Ban đầu tôi đi theo các tour du lịch ngắn hạn, chủ yếu được quan sát tận mắt những gì thấy qua sách vở, báo đài. Sau đó, tôi tiếp tục dành tiền và liên hệ những nông trại đó để được qua tham quan riêng, học hỏi kinh nghiệm”. Từ những chuyến “du học” tự túc như vậy, anh Vũ lại rẽ theo một hướng mới, canh tác bền vững hơn - nông nghiệp hữu cơ. Anh Vũ liên kết với các doanh nghiệp trên TP. Hồ Chí Minh có nông trại muốn chuyển đổi sang canh tác hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học. Anh đảm nhận vai trò quản lý kỹ thuật, đảm nhận vận hành nông trại sản xuất theo hướng hữu cơ. Với công việc làm thêm này, anh Vũ vừa làm, vừa trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.  

KHỞI NGHIỆP TỪ TRỒNG LÚA HỮU CƠ

Nói về nguyên nhân của ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp “sạch” của mình, anh Vũ, cho biết: “Thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, phần lớn nông dân điều lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm gia tăng năng suất và lợi nhuận, làm cho chất lượng nông sản ngày một kém đi, kéo theo đó đa dạng sinh học bị biến đổi và đất canh tác nông nghiệp ngày càng mất đi độ màu mỡ của đất. Bên cạnh đó, vấn đề về an toàn thực phẩm đang được người tiêu dùng quan tâm vì nông sản không được cách ly về dự lượng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, gây ảnh hưởng trực tiếp với người tiêu dùng...”. Từ kiến thức nền tảng trồng rau màu theo hướng hữu cơ sinh học, anh Vũ áp dụng sang trồng cây lúa. Sau khi tốt nghiệp đại học, khoảng tháng 7-2019, anh Vũ về triển khai ngay trên 5ha đất ruộng của gia đình và thuê thêm 5ha nữa để trồng lúa theo hướng hữu cơ sinh học. Anh Vũ canh tác 10ha trồng lúa của mình song song với những công ruộng canh tác thông thường: Gieo sạ cùng thời điểm, cùng giống lúa, chỉ thay đổi phương thức quản lý sâu bệnh và phân bón.

Trong suốt quá quy trình canh tác, anh Vũ không sử dụng các loại phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc hóa học, thay vào đó nguồn dinh dưỡng được bổ sung cho cây trồng là các loại phân hữu cơ được ủ và xử lý bằng vi sinh vật phân giải, việc kiểm soát sâu bệnh củng được kiểm soát bằng những chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ thảo dược và hoạt chất nguồn gốc sinh học. Theo đó, khi nông dân bón phân vô cơ thì anh Vũ bón phân hữu cơ, khi nông dân phun thuốc hóa học thì Vũ sử dụng chế phẩm sinh học. Việc tự ủ chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ bằng nguyên liệu sẵn có trên địa bàn giúp giảm giá thành đầu tư sản xuất, làm lợi cho đất và không ảnh hưởng môi trường. Vụ lúa vừa qua, năng suất lúa trồng theo hướng hữu cơ sinh học của anh Vũ đạt được từ 800-900kg lúa/công, tương đương với những công ruộng lân cận, lãi hơn 2 triệu/công. Anh Vũ cho biết: “Mục đích chính của tôi là muốn chứng minh cho bà nông dân về lợi ích của việc trồng lúa theo hướng hữu cơ sinh học - phát triển nông nghiệp bền vững. Vì canh tác theo phương thức này sẽ giảm lượng phân, thuốc hóa học ra môi trường, đảm bảo không bị độc hại; làm giàu tài nguyên đất. Càng qua nhiều năm canh tác đất càng màu mỡ, phân bón sử dụng càng giảm, cây trồng ít sâu bệnh. Và điều tâm đắc nhất là mang lại giá trị nông sản cao, giữ được hương vị đặc biệt của nông sản, mà ở đây là chất lượng, giá trị dinh dưỡng của hạt gạo”.

Ngoài trồng lúa theo hướng hữu cơ sinh học, anh Vũ còn trồng và nhận lắp đặt rau màu thủy canh, thổ canh theo hướng hữu cơ sinh học. Tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2019” do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học của anh Vũ xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi.

Tú Anh
Số lần đọc: 6636

Tin liên quan