• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát huy tinh thần xung kích tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Các ý tưởng sản xuất độc đáo, sáng tạo từ những nguyên liệu tại địa phương gắn với chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, xu hướng tiêu thụ của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

CỦ HỦ DỪA MIỆT THỨ

Từng học ngành công nghệ thông tin nhưng anh Lê Trọng Đáng, ngụ tại ấp Xẻo Lá B, xã Tân Thạnh (An Minh) lại lựa chọn về địa phương khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp. Với ý tưởng khởi nghiệp khá táo bạo - trồng dừa chỉ để bán củ hủ đã đem lại nguồn thu nhập ổn địa cho anh Đáng. Hơn thế, năm 2023, sản phẩm củ hủ dừa của anh Đáng được chứng nhận OCOP 3 sao.

Củ hủ dừa là phần lõi non của ngọn dừa, có màu trắng, ăn giòn và ngọt; là món đặc sản thường được dùng chế biến thành nhân bánh xèo, làm gỏi, nấu canh hoặc ăn sống. Mỗi cây dừa chỉ có một củ hủ nên giá trị sản phẩm khá cao và khan khiếm. Nhận thấy tiềm năng của mô hình, anh Đáng chỉ trồng thử vài chục gốc dừa cung ứng ở địa phương. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, từ hơn 10 năm nay, anh Đáng mạnh dạn ươm, trồng phủ xanh đất trống xung quanh nhà và trên bờ bao 4ha vuông tôm của gia đình. Dừa được anh Đáng chọn trồng làm củ hủ là giống dừa xiêm tại địa phương, chịu mặn và phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Dừa trồng khoảng 2,5-3 năm có thể thu hoạch củ hủ.

Anh Đáng với sản phẩm OCOP củ hủ dừa.

Dừa khi thu hoạch được bóc sạch lớp vỏ và phần cứng thì còn lại khoảng từ 5-10kg củ hủ. Củ hủ dừa là món ăn 100% tự nhiên không có chất bảo quản, nhưng để được nhiều người tin dùng và biết đến sản phẩm củ hủ dừa, anh Đáng tìm hiểu đăng ký OCOP cho sản phẩm củ hủ dừa. Anh Đáng chia sẻ: “Để ổn định, bền vững, nâng giá trị cho nông sản, tôi nhận thấy, OCOP chính là bước đệm để giới thiệu, khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm nên tìm hiểu và nhờ đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP cho củ hủ dừa. Khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, giá trị cũng tăng lên và nhiều người biết đến. Tôi thường bán cho các nhà hàng, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng”.

Từ khi được chứng nhận OCOP, anh Đáng hoàn thiện quy trình sản xuất, tem nhãn phù hợp với quy định của chương trình. Sản phẩm củ hủ dừa của anh Đáng được chăm chút đóng gói, hút chân không gửi đi xa trong và ngoài tỉnh. Hiện củ hủ dừa anh Đáng bán khoảng 50.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Để có sản phẩm củ hủ dừa cung ứng liên tục trong những năm gần đây, anh Đáng vận động người dân địa phương thực hiện mô hình trồng dừa lấy củ hủ theo quy trình đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, góp phần tăng thêm thu nhập.

KHÔ CÁ OCOP

Với ý định khởi nghiệp thêm nghề tay trái - làm khô bán online, vợ chồng anh Lê Thái Nguyên Em, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Thạnh Phước (Giồng Riềng) xây dựng thành công thương hiệu khô Khả Ái; đăng ký và được công nhận 2 sản phẩm OCOP gồm: Khô cá lóc Khả Ái và khô cá chạch Khả Ái.

Trong những ngày cận Tết, vợ chồng anh Nguyên Em đang tất bật chuẩn bị những mẻ khô cá lóc, cá chạch các loại, cung ứng cho thị trường. Khô cá lóc của gia đình anh Nguyên Em gồm: Khô cá lóc đồng, khô cá lóc sợi phi lê, khô cá lóc xẻ nguyên con. Khô cá chạch gồm: Khô cá chạch đồng và khô cá chạch lấu. Cá khô của gia đình anh Nguyên Em được tẩm ướp gia vị vừa ăn, có thể dùng để chế biến nhiều món: Nướng, chiên, trộn gỏi, kho hoặc nấu canh… Chia sẻ về việc khởi nghiệp và đăng ký thành công sản phẩm OCOP, anh Nguyên Em cho biết: “Năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, vợ chồng tôi có nhiều thời gian ở nhà nên muốn tìm công việc gì làm kiếm thêm thu nhập. Ban đầu, vợ chồng tôi thử làm khô cá lóc biếu đồng nghiệp, người thân ăn thử và được phản hồi tốt từ mọi người, nên vợ chồng tôi mạnh dạn làm khô khởi nghiệp bán online. Được chính quyền địa phương vận động, vợ chồng tôi đăng ký sản phẩm OCOP góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, khô cá lóc Khả Ái được chứng nhận OCOP và đến năm 2024 kho cá chạch Khải Ái cũng được chứng nhận OCOP”.

Vợ chồng anh Nguyên Em soạn khô chuẩn bị giao khách hàng.

Xác định khô là mặt hàng có nhiều sự cạnh tranh, nên trong quá trình làm khô vợ chồng anh Nguyên Em luôn lựa chọn kỹ nguyên liệu đảm bảo tươi ngon. Trong quá trình chế biến, anh chị luôn chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn. Quy trình sản xuất được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá sau khi làm sạch, được tẩm ướp, đem phơi nắng từ 2 ngày, sau đó đóng gói và hút chân không để bảo quản sản phẩm lâu hơn. Tiếp sức cho vợ chồng anh Nguyên Em trong quá trình khởi nghiệp và đăng ký sản phẩm OCOP, Huyện đoàn hỗ trợ gia đình anh vay vốn 50 triệu đồng đầu tư mua tủ đông để bảo quản sản phẩm, cung ứng liên tục cho khách hàng. Sản phẩm khô của vợ chồng anh Nguyên Em được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trung bình hàng tháng, cơ sở của vợ chồng anh Nguyên Em sản xuất, cung cấp cho thị trường khoảng 500kg khô các loại. Anh Nguyên Em chia sẻ: “Từ khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm khô của gia đình tôi được tham gia các buổi trưng bày sản phẩm, nhiều người biết đến, các đơn hàng đi ngoài tỉnh nhiều hơn. Nhờ đó, gia đình tôi có lợi nhuận thêm từ nghề tay trái, với trên 5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương”.

Những năm qua, Tỉnh đoàn triển khai các hoạt động hỗ trợ các sản phẩm đăng ký đạt chuẩn OCOP từ các mô hình của thanh niên tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cụ thể như: hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác sản phẩm… Đồng chí Thị Phương Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Việc hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP giúp các đoàn viên, thanh niên tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục, quy định đăng ký sản phẩm. Tỉnh đoàn còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của thanh niên tại các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức tại trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới Tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của đoàn viên, thanh niên vươn xa hơn vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử... của các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

 

Tú Anh
Số lần đọc: 90

Tin liên quan