Vận dụng sáng tạo nguyên tắc “thà ít mà tốt" của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những chỉ dẫn xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, là công cụ hữu hiệu phục vụ nhân dân hiệu lực, hiệu quả, đặt chất lượng và tinh thần phục vụ lên trên, lên trước, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm“nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ", cho nên khi thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám chỉ có 15 thành viên. Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời cũng chỉ 15 thành viên với 13 bộ. Năm 1946 thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến chỉ 12 thành viên và 10 bộ. Khi thiết lập bộ máy ở địa phương thì cũng rất gọn nhẹ như“Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... Ủy ban có từ 5-7 người"… Trong quá trình vận hành, bộ máy nhà nước có lúc “thừa người", Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí", “người nhiều, việc ít, xài phí lu bù…". Người kiên quyết chỉ đạo: “phải triệt để giản chính", “thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất" … Để thực hiện hiệu quả, Người đưa ra giải pháp: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành", “tìm mọi cách để giảm bớt những cơ quan và những nhân viên không cần thiết lắm", hay“Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân". Người còn chỉ ra “tinh giản" là để thực hành tiết kiệm và phát huy sức người, sức của, để nâng cao và tăng năng suất lao động“sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức". Trong sắp xếp tổ chức bộ máy, Người luôn đánh giá cao vai trò, đồng thời khuyến khích cán bộ, đảng viên “bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng". Người đặc biệt quan tâm, trọng dụng nhân tài và coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và “phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng", và chỉ ra: “Chớ đem người tư làm việc công... Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình...", hay“Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi,…". Với quan điểm, tư tưởng đó của Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho nhiều nhân tài có cơ hội tỏa sáng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Kế thừa và học tập, làm theo tư tưởng, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới hiện nay. Từ năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW; ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị cho ra đời Nghị quyết số 39-NQ/TW và gần đây là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trung ương đề ra lộ trình đến năm 2030, có mục tiêu: “Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế". Như vậy, việc triển khai, thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước ta diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây về sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" là thực hiện theo lộ trình mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra từ ngày 25/10/2017. Đối với tỉnh Kiên Giang, để góp phần thực hiện thành công “cuộc cách mạng" này, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong bộ máy nhà nước và quần chúng nhân dân về sự cần thiết, yêu cầu, nội dung và tính cấp bách trong thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về “tinh gọn" theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và các văn bản liên quan, như: Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII… Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng, tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để điều chỉnh, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời. Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này sẽ ít nhiều tác động đến cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ “vượt trội", nhất là đối với cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ việc trước tuổi, đã khuyến khích nhiều người phát huy tinh thần nêu gương, tự nguyện xin nghỉ sớm theo quy định. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những thiệt thòi, những hy sinh quyền lợi cá nhân, tổ chức… Tóm lại, để thực hiện thành công “cuộc cách mạng" này, cả hệ thống chính trị và nhân dân cần phát huy truyền thống xây dựng quê hương đất nước, truyền thống “bất khả chiến bại" trong tất cả cuộc cách mạng do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm với quyết tâm cao, nghị lực lớn, với tinh thần - ý chí cách mạng - tất cả vì sự phát triển, lợi ích chung, thậm chí có cả hy sinh lợi ích cá nhân, để hướng đến mục tiêu chung, lợi ích to lớn hơn, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" như mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa; đưa đất nước ta phát triển toàn diện và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 22
|
Tin liên quan
|