• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Tính tất yếu khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Lịch sử xã hội Việt Nam cho thấy, các phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều thất bại do thiếu đường lối đấu tranh đúng đắn. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam mới chấm dứt sự bế tắc về đường lối cách mạng.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa được chỉ rõ là: “làm tư sản dân quyền cách mang và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Điều này có nghĩa là, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trước hết phải thực hiện được cách mang dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Bởi vì độc lập dân tộc là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là điều kiện tiên quyết để giữ vững được độc lập dân tộc, để thực hiện mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước; chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Thực tiễn trên đã chứng minh: Độc lập dân tộc chỉ được bảo đảm vững chắc khi gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng chuyên chính cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới".

2. Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Có thể nói, sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu những năm cuối thế kỷ XX là cái cớ để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tung ra các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận sự đúng đắn, khách quan của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với truyền thông xã hội, internet phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, lợi dụng những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động tăng cường chống phá chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá này, thể hiện ở số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chúng xuyên tạc giá trị, tính khoa học, cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, bởi đây là nền tảng tư tưởng của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội. Chúng cho rằng, học thuyết Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX và phù hợp trong một chừng mực nào đó với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phương Tây thời đó; lý luận này hiện nay không còn phù hợp và đặc biệt càng không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam,

Từ đó, chúng tuyên truyền xuyên tạc, rêu rao chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không phù hợp ở Việt Nam và cần loại bỏ. Chúng cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác chỉ là một mở lý thuyết suông về một chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được; do vậy, sự sụp chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu và trên toàn thế giới là một tất yếu, là sự cáo chung đã được báo trước...

Thứ hai, chúng xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, lý tưởng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội đã hoàn toàn sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; thế kỷ XX là thế kỷ chứng kiến sự ra đời và cả hồi kết của chủ nghĩa cộng sản. Chúng xuyên tạc rằng việc thực hiện chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hoàn toàn thất bại sau 10 năm 1975-1985; sau đó giai đoạn 1985-1995 dù cố gắng “đổi mới" theo gương “cải tổ" của Liên Xô nhưng vẫn không cứu vãn được.

Về những thành tựu nước ta đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, chúng xuyên tạc rằng thực tế Việt Nam đã thực hiện “kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa", nhờ đó mới phát triển nhiều mặt như ngày nay. Qua đó, chúng phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ ba, chúng lợi dụng những khó khăn, hạn chế, thiếu sót trong đời sống xã hội để đánh đồng hiện tượng thành bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, chúng ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thiếu sót... Các thế lực thù địch thường lợi dụng những hạn chế, yếu kém, thiếu sót này để suy diễn, xuyên tạc, quy chụp rằng đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội, là kết quả do con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang lại...

Thứ tư, chúng đưa ra các kiến nghị dưới chiêu bài “trao đổi", “góp ý" xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Nội dung chúng “trao đổi", “góp ý" tập trung vào luận điệu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm, cần phải đi con đường khác; chúng công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí, có kẻ còn “ân hận" về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thực chất, ẩn khuất đằng sau những “trao đổi", “góp ý" này của chúng là thúc đẩy đổi mới chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng Nhà nước dựa trên nền tảng dân chủ, “xã hội dân sự". Từ đó, chúng thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta...

3. Đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Từ tình hình trên, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị về công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong cơ quan, đơn vị, địa bàn nhận thức sâu sắc và tích cực tham gia đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch.

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân" gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, phải ánh rõ nét những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; những đổi thay tích cực trong cuộc sống của nhân dân.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ về truyền thống văn hóa, giá trị văn hóa, con người Việt Nam; những hình ảnh tiêu biểu của quê hương, đất nước; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc định hướng dư luận, đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mỗi cơ quan báo chí, truyền thông cần chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến những thông tin tích cực; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, từng năm gắn với từng sự kiện của đất nước, ngành, địa phương. Kết hợp chặt chẽ và sử dụng đồng bộ các loại hình báo chí, phát huy tối đa báo điện tử và mạng xã hội để chủ động đăng tải, chia sẻ thông tin một cách nhanh nhất đến bạn đọc. 

Lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và định hướng cho phóng viên, biên tập viên nâng cao ý thức trách nhiệm, không để các thế lực thù định, phản động lợi dụng, lôi kéo.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm cơ chế giám sát về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bổ sung, sửa đổi, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phòng ngừa có hiệu quả sự suy thoái, tham nhũng, lãnh phí và các biểu hiện tiêu cực trong hệ thống chính trị, nhất là ở những lĩnh vực quan trọng, lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra sai phạm.

Hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự, hành chính để xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm trong cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội tại Việt Nam và những đối tượng phát tán thông tin xuyên tạc, xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tóm lại: Đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức, cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong tình hình mới…

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 98

Tin liên quan