• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
​“Đồng chó ngáp" nay thuộc xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận. Từ đồng hoang, năng sậy, cỏ dại ngút ngàn đã nhường chỗ cho khát khao vươn lên thoát nghèo của người dân nơi đây.

Một ao nuôi tôm công nghiệp của người dân xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, được đầu tư nhiều kỹ thuật hiện đại, tự động hóa cao.

Rước vợ, khởi nghiệp với chiếc xuồng ba lá

Anh Nguyễn Văn Mộng (46 tuổi), ngụ ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong, kể: 23 năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh gom hết tài sản gồm một chiếc xuồng ba lá chở theo mớ cây tạp, vài tấm bạt, lá dừa nước đi rước vợ, rồi quyết định dựng chòi ven bờ kênh xáng ngăn cách hai tỉnh Kiên Giang - Bạc Liêu. 

Cả cánh đồng mênh mông phía sau bờ kênh chỉ có cỏ năng, lau sậy ngút ngàn. Đất phèn chua mặn không trồng được lúa, xa thiệt xa mới thấp thoáng có cái chòi tranh lá tạm bợ, thỉnh thoảng lại run lên theo từng cơn gió ràn rạt thổi qua đồng hoang. Khung cảnh quạnh hiu chất chứa những phận người quắt quay với cái nghèo, cái đói chờ chực nên có lẽ tên gọi “đồng chó ngáp" xuất phát từ đây. 

Như những người bám trụ trên “đồng chó ngáp", ban ngày vợ chồng anh Mộng đi chài lưới, đặt lờ dưới kênh, ban đêm cắm câu, đặt trúm bắt lươn, rắn rồi đổi lấy gạo, mắm muối đắp đổi qua ngày. Cuộc sống bần hàn cứ như vậy cứ hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm khác. 

Cuối những năm 1980, có vài người bên Bạc Liêu, Cà Mau qua “đồng chó ngáp" chỉ dẫn bà con cách xẻ kênh đưa nước vô đồng hoang để nuôi tôm. Mồ hôi tuôn xuống đồng hoang, mẹ thiên nhiên góp phần ban tặng con giống tự nhiên sau mỗi con nước lớn - ròng. Tôm thẻ, tôm sú dưới kênh được thả đại vô ao nuôi, sau 7-8 tháng thì “xổ" (thu hoạch). Có đêm, “xổ" tôm xong sáng ra nhận tiền anh Mộng đi chợ sắm cả cây vàng. Cơ hội đổi đời đã tới.   

Nông dân thời hiện đại

Anh Đặng Văn Dự, trưởng ban lãnh đạo ấp Thị Mỹ, cho hay: Ấp có 289 hộ dân, hiện chỉ còn 7 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, đây đều là những gia đình thuộc diện người già yếu, neo đơn, không còn sức lao động. Còn hầu hết dân trong ấp đều có mức sống từ trung bình khá trở lên, có những gia đình phải nói là giàu mới đúng. 

Anh Mộng thật thà tâm sự: Nhớ lại hơn hai chục năm trước, thiệt tình là tui không tưởng tượng nổi mình có được cơ ngơi, nhà cửa, xe cộ như bây giờ, cứ như một giấc mơ thành sự thật vậy. Đường liên xã, liên ấp tráng nhựa, hoặc đổ bê tông phẳng lỳ. Nhà dân hầu hết là nhà tường kiên cố, hàng rào trồng hoa tím, hoa vàng vẽ lên khung cảnh nông thôn tươi tắn đủ đầy. 

Anh Mộng nhẩm tính, trên diện tích 1ha đất, cứ sau 90 ngày sẽ cho lợi nhuận ít nhất là 10 triệu đồng, vụ nào thuận lợi thì lợi nhuận lên tới 20-30 triệu đồng, tùy theo tình hình thị trường. Đây là nuôi tôm công nghiệp, chứ nếu nuôi quảng canh thì lợi nhuận sẽ còn nhiều hơn nữa. Bù lại, nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn, ít rủi ro hơn quảng canh. Quy trình nuôi tôm công nghiệp cũng phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức nhất định. Các công ty thu mua tôm sẽ cử nhân viên kỹ thuật hướng dẫn chi tiết từ khâu lấy nước, xử lý nước trước khi bơm vô ao nuôi. Chạy quạt tạo ô xi cho tôm cũng phải kéo điện 3 pha, rồi phối trộn thức ăn, cho ăn qua hệ thống máy tự động… 

Người nông dân “đồng chó ngáp" ngày nay vẫn giữ cốt cách hồn hậu, chân chất, hào sảng, nhưng đã tiếp cận rồi áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật. Ao nuôi lắp đặt hệ thống quan trắc, camera quan sát suốt ngày đêm. Bà con còn hoạch định đường đi của con tôm, con cá sao cho lợi nhất. Từ đâu tới đâu thì đi đường thủy, khi nào kết nối đường bộ sẽ thông suốt hơn, nhanh hơn. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì đa dạng, phong phú với tôm sú, tôm thẻ, cua, cá bống tượng, kể cả cá sấu. Quanh nhà tận dụng đất trống trồng tre, trúc cũng cho thu hoạch vài chục triệu đồng mỗi năm. 

Nhìn ra ngoài sân chỗ thương lái đang chộn rộn cân tôm, anh Mộng cho biết: Vụ này trúng giá, tôm thẻ 40 con/kg bán 120.000đ/kg, sú 170.000đ/kg, xuất qua Campuchia thì giá hơn 200.000đ/kg. Hai đứa nhỏ đi học đại học cũng sắp về nghỉ hè, hy vọng ra trường tụi nó sẽ ở lại quê phụ giúp gia đình làm kinh tế. Còn nếu không thì đi làm cho doanh nghiệp nào đó như nhiều đứa ở trong ấp này cũng ổn. 

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3565

Tin liên quan