(KGO) - Mô hình nuôi lươn không bùn có đầu ra ổn định đã góp phần tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên và gia đình các thành viên Hợp tác xã thanh niên Kiên Cường, xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang).
Bí thư Xã đoàn Đông Hòa Nguyễn Thành Đấu cho biết, thời gian qua, các chi đoàn trên địa bàn xã vận động đoàn viên, thanh niên đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả được đoàn viên, thanh niên thực hiện như mô hình nuôi cá bống tượng, cua đinh, nuôi dê, trồng màu, trong đó có mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên Ngô Trung Kiên (sinh năm 1996), ngụ ấp Hòa Đông. Năm 2018, tốt nghiệp Trường Đại học Tây Đô với tấm bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản, Trung Kiên trở về địa phương phát triển kinh tế. Năm 2019, Kiên mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi lươn với 3 hồ và hơn 3.000 con lươn giống. Theo Kiên, chăm sóc lươn đơn giản, ít tốn công, chi phí thấp, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương. Giá lươn ít biến động, dễ tiêu thụ trên thị trường. Đến nay, Kiên có 17 hồ, thả nuôi khoảng 34.000 con lươn giống. Lươn nuôi từ 11-12 tháng, mỗi hồ thu hoạch từ 550-580kg/hồ, trừ chi phí, thu lãi 40 triệu đồng/hồ/vụ.
Đoàn viên Ngô Trung Kiên, ngụ ấp Hòa Đông, xã Đông Hòa, huyện An Minh kiểm tra hồ nuôi lươn. Từ kết quả của mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên Ngô Trung Kiên, năm 2022 được sự quan tâm của Tỉnh đoàn Kiên Giang và Huyện đoàn An Minh, mô hình nuôi lươn đơn lẻ của gia đình Kiên nâng lên hợp tác xã nuôi lươn mang tên Hợp tác xã thanh niên Kiên Cường với 18 thành viên. Các thành viên Hợp tác xã thanh niên Kiên Cường nuôi lươn tổng số 126 hồ, với hơn 250.000 con lươn. Từ mô hình nuôi lươn không bùn này đã giúp 6 đoàn viên, thanh niên thoát nghèo. Đoàn viên Phan Trọng Phúc đang nuôi 7 hồ, với 14.000 con lươn. Theo Phúc, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn; trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nylon làm giá thể để lươn trú ngụ. Từ mô hình nuôi lươn không bùn và nhiều mô hình phát triển kinh tế khác, đời sống của đoàn viên, thanh niên xã Đông Hòa ngày càng được cải thiện và nâng lên. Có kinh tế ổn định, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hoạt động Đoàn, từ đó công tác Đoàn và phong trào thanh niên của xã sôi nổi. “Từ hiệu quả của mô hình nuôi lươn không bùn của đoàn viên Ngô Trung Kiên, Xã đoàn đã nhân rộng mô hình trong đoàn viên, thanh niên nhằm tạo động lực, phong trào giúp đỡ đoàn viên, thanh niên làm kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Trương Minh Diệu cho biết.
Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 3992
|
Tin liên quan
|