• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
(KGO) - Ngày 27-2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Quang cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)

- Khởi nguồn và động lực phát triển” tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang.

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Dự hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Ngoài ra, hội thảo còn có các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương; văn nghệ sĩ, tri thức… tham dự.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo.

Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Kiên Giang có giá trị giáo dục

tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng sâu sắc với thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 và Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020.

Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ.…

Hội thảo nghe tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, các văn nghệ sĩ kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới…

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Đề cương văn hóa Việt Nam. Các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 2173

Tin liên quan