• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
​Em Danh Thị Mộng Kiều, ngụ huyện Giồng Riềng, là sinh viên lớp kế toán doanh nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang, cùng 5 thành viên có đam mê năng khiếu về hội họa đã xây dựng ý tưởng khởi nghiệp từ vẽ tranh lên viên đá cuội. Qua đó, đã tạo ra những sản phẩm đa dạng, có tính nghệ thuật cao, thu hút sự quan tâm của người xem.

Cô giáo hướng dẫn và nhóm tác giả với những sản phẩm tranh vẽ trên đá cuội.

Trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường, nhóm em Danh Thị Mộng Kiều luôn tích cực hoạt động đoàn - hội và tham gia ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ sớm. Tham gia phong trào nhóm có thể hoàn thiện bản thân và rèn luyện kỹ năng như giao tiếp, lãnh đạo và kỹ năng quản lý bản thân để có thể chuẩn bị hành trang tốt trước khi tốt nghiệp. Hiện nhóm Kiều đang khởi nghiệp với mô hình sáng tạo từ đá nghệ thuật, trang trí đẹp mắt cho từng viên đá.

Cơ duyên đến với mô hình sáng tạo từ đá nghệ thuật, em Danh Thị Mộng Kiều chia sẻ: “Trong chuyến tham quan Mũi Nai Hà Tiên, nhóm quan sát nhiều khách du lịch đi dọc theo bờ biển nhặt những viên đá nhỏ với hình thù khác nhau. Khi tiếp cận và biết được họ ở ngoài tỉnh đến du lịch và trước khi về muốn tìm ra một viên đá thật ưng ý làm kỷ niệm. Vì vậy, chúng em đã nảy sinh ý tưởng vẽ trên những viên đá cuội về di tích lịch sử, điểm du lịch hoặc những sản phẩm kết dính tạo hình thù đẹp của đá, với mong muốn du khách có một món quà làm lưu niệm tại Kiên Giang khi trở về".

Nhóm tác giả cho biết, có rất nhiều đá cuội tại các núi, bãi biển, nhiều đá tự nhiên được tạo hình sẵnvà màu sắc đẹp mắt nên nguồn nguyên liệu dồi dào. “Nguyên liệu chủ yếu là đá cuội, có bề mặt nhẵn, hình dáng hài hòa. Có những lúc chúng em mất nhiều thời gian để đi tìm và lựa rất nhiều đá chọn ra được vài chục viên đạt yêu cầu, chọn những viên đá có kích thước và màu sắc phù hợp với tác phẩm, trọng lượng mỗi viên từ 1 gram đến vài ký", em Danh Tính, thành viên nhóm cho biết.

Nhóm tác giả tìm hiểu, nghiên cứu thêm trên mạng nhận thấy các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản tạo ra rất nhiều những sản phẩm đẹp, lôi cuốn và hấp dẫn được tạo ra từ những viên đá cuội. Điều đó khiến cho nhóm càng có động lực và đặt sự quyết tâm vào mô hình khởi nghiệp của mình.

Đá trước khi chế tác được nhóm tác giả mang rửa sạch, vệ sinh và xử lý vân màu tự nhiên của đá bằng cách dùng bàn chảy hoặc cước loại mềm cọ rửa sạch và làm bóng cho đá nổi vân màu đẹp tự nhiên. Sau đó, chọn những viên đá phù hợp lắp ráp để cho ra sản phẩm mà mình muốn tạo ra và bổ sung họa tiết trên đá để nhìn sinh động theo ý tưởng ban đầu. Dùng cọ vẽ kết hợp với màu acrylic, chờ khô 30 phút, tránh chạm vào sau khi vẽ để hình không bị lem màu, cuối cùng là sơn bóng tạo lớp bảo vệ cho đá, mang phơi nắng tầm 45 - 60 phút, dán các phụ kiện tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Em Danh Thị Mộng Kiều cho biết: “Trung bình một người sẽ mất khoảng 20-30 phút để hoàn thành bức tranh đá. Mỗi ngày chúng em có thể làm ra 10 sản phẩm hoàn thiện. Ai cũng có thể làm được nếu có niềm đam mê, chịu khó tìm tòi nghiên cứu và đặt mọi tâm huyết của mình trong từng viên đá làm ra có ý nghĩa và có hồn hơn. Người vẽ cần phải rất tỉ mỉ để không bị bết màu, nếu bị lỗi sẽ rất khó sửa".

Tranh đá nghệ thuật thường làm quà lưu niệm nên đa phần nhóm tác giả chọn vẽ chân dung Bác Hồ, các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh như Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, chùa chiền của đồng bào dân tộc Khmer… Đá hoàn thiện có thể sử dụng dùng làm quà lưu niệm, trang trí trên bàn làm việc, kết hợp chơi cây cảnh. Đá nghệ thuật là một lựa chọn hoàn hảo để làm quà tặng vào các dịp sinh nhật, lễ tết hay làm quà lưu niệm, giá từ 40.000-100.000 đồng/sản phẩm.

Cô Danh Thị Diệu Hạnh, giáo viên hướng dẫn, cho biết: “Sự đam mê sáng tạo, tận tuỵ và chịu khó nên các em đã cho ra nhiều sản phẩm khác nhau làm nổi bật những điểm du lịch nổi tiếng của Kiên Giang. Sản phẩm này mang tính sáng tạo ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, giúp cho nhiều em thể hiện khả năng sáng tạo, bộc lộ điểm mạnh của mình từ môn vẽ".

Với cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Kiên Giang lần thứ V, nhóm em Danh Thị Mộng Kiều với sản phẩm thi “đá nghệ thuật" đã xuất sắc giành giải ba do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Kiên Giang tổ chức.

Cô Trần Thị Huyền Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang, nhận xét: “Ý tưởng khởi nghiệp “Đá nghệ thuật" của các bạn sinh viên là một trong những ý tưởng xuất sắc được lựa chọn vào vòng thi chung kết cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trường năm 2023. Ý tưởng này đã tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật và vật chất. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ, ươm tạo ý tưởng này để sản phẩm của các em có nhiều người biết tới và đặt mua".

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 1207

Tin liên quan