Nói về tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích: “Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng", hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình…".
Tranh minh họa. Mỗi dịp cuối năm, các tổ chức, cơ quan, đơn vị lại tiến hành các hoạt động tự phê bình và phê bình, kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo quy định. Đây là việc làm cần thiết, để mỗi tập thể, cá nhân phát huy ưu điểm, cũng như khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém. Đồng thời, qua tự phê bình và phê bình, kiểm điểm giúp đồng chí, đồng nghiệp ngày càng tiến bộ, giúp tổ chức ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh tính tích cực của công tác tự phê bình và phê bình, thì ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị việc thực hiện công tác này chưa tốt, có nơi còn có biểu hiện lệch lạc, méo mó. Ở đâu đó vẫn còn tình trạng mượn tự phê bình và phê bình để tâng bốc nhau, ca tụng nhau, lấy lòng nhau, thậm chí từ khuyết điểm cũng có thể biến thành ưu điểm. Cũng có người lại coi phê bình là vũ khí để tấn công đồng chí, đồng nghiệp, hạ bệ người này, vùi dập người kia… Về những hạn chế, yếu kém trong công tác tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã nhận thấy và đã có những giải pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao". Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết cũng nêu: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm"; "Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt". Người cũng chỉ rõ: “Mục đích phê bình để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Nói về tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phân tích rất sâu sắc: “Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng", hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình…". Như vậy, có thể nói thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình sẽ góp phần quan trọng xây dựng những cá nhân tốt, tập thể vững mạnh. Ngược lại, ở những nơi thực hiện không tốt công tác này, các cá nhân sẽ luôn nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau, thậm chí tìm cách hạ bệ nhau; do đó sẽ khó xây dựng được một tập thể đoàn kết, nhất trí và vững mạnh. Mai Tưởng
Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 2044
|
Tin liên quan
|