(KGO) - Với mục đích đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí hành chính, tỉnh Kiên Giang thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, UBND tỉnh Kiên Giang tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, huyện, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo quy định, yêu cầu về chất lượng công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo việc theo dõi, quản lý, chi trả cho đối tượng thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa Trung ương và địa phương, giải quyết tình trạng chậm, trùng lĩnh chi trả cho các đối tượng.
Ông Bùi Trung Tài - thương binh hạng 1/4, ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) trao đổi về tiện ích của việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cùng vợ. Phát huy vai trò cơ quan chuyên trách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang tích cực phối hợp Bưu điện tỉnh Kiên Giang, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai chi trả bằng hình thức không dùng tiền mặt gồm trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội. Quy trình chi trả đáp ứng yêu cầu đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, phù hợp các nhóm đối tượng chính sách, điều kiện ở vùng nông thôn xa điểm giao dịch. Việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt áp dụng với đối tượng đang nhận trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, đối tượng nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu, đủ điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các đối tượng còn lại chưa thực hiện chi trả không dùng tiền mặt tiếp tục thực hiện chi trả bằng tiền mặt như trước đây thông qua hệ thống bưu điện. Theo ông Trần Thanh Hùng - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang đến tiện ích cho cơ quan quản lý, đối tượng thụ hưởng. Phương thức chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt giúp cơ quan quản lý từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách an sinh xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh, công khai, minh bạch, an toàn, dễ kiểm soát, tránh tình trạng mất cắp, tiết kiệm chi phí hành chính. Nhận tiền qua tài khoản cá nhân, người thụ hưởng không mất thời gian, công sức trực tiếp đến điểm chi trả, nhận đúng số tiền mà không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân, thanh toán hàng hóa, dịch vụ mọi lúc mọi nơi. Biết tiện ích của hình thức chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, nhiều người có công với cách mạng bày tỏ đồng tình, ủng hộ với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Ông Bùi Trung Tài - thương binh hạng ¼, ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Tôi mong chính quyền địa phương sớm triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua tài khoản ngân hàng để hàng tháng tôi không phải đến điểm chi trả nhận tiền. Phương thức chi trả không dùng tiền mặt thuận tiện hơn khi tôi ở nhà hay bất cứ đâu vẫn có thể nhận đủ số tiền được hưởng”.
Quá trình triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt gặp không ít khó khăn, tuy nhiên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo hiệu quả trong thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh cần sự quyết liệt, nỗ lực vượt khó của các địa phương trong triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, thay đổi thói quen, tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 3-2024, trên địa bàn Kiên Giang có 3.223 người có công mở tài khoản ngân hàng, 5.967 đối tượng bảo trợ xã hội mở tài khoản ngân hàng.
Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 2149
|
Tin liên quan
|