• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
(ĐCSVN) - Đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc đã đóng góp rất lớn về sức người, sức của, góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngày 6/12/1953, tại An toàn khu Thái Nguyên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một vấn đề quan trọng được đặt ra, đó là công tác hậu cần cho chiến dịch. Đây là thử thách lớn đối với Hội đồng Cung cấp Quốc gia do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ nhiệm cũng như Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh trong điều kiện "Đường ra mặt trận hết núi lại đèo, suối rồi lại suối. Qua những khu rừng âm u rậm rạp, những sườn núi chênh vênh, lại đến những đồi tranh trơ trụi. Các suối phần lớn chưa có cầu" (Trích hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Theo dự kiến ban đầu, nhu cầu bảo đảm vật chất là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô nhưng sau đó đã tăng gấp ba. Riêng về gạo cần tới trên 20.000 tấn. Rút kinh nghiệm từ các chiến dịch trước, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chủ trương tranh thủ tối đa việc huy động lương thực, thực phẩm tại các địa phương, trong đó dự tính huy động tại Tây Bắc 6.000 tấn lương thực. Lượng lương thực này nếu cung cấp từ những địa bàn xa đến, số lượng phải tăng gấp 3 - 4 lần. Thời điểm huy động lương thực cho chiến dịch trùng với thời điểm vừa thu hoạch xong vụ mùa nên đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc có điều kiện để vừa hưởng ứng nộp thuế, vừa tham gia dân công.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Chính phủ, đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Hà Nhì, Mảng các tỉnh Tây Bắc... đã hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước đây, phụ nữ người dân tộc thiểu số chỉ quanh quẩn ở nhà, làm các công việc quay sợi dệt vải, nội trợ gia đình, ít khi đi xa. Ấy thế mà theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, chị em nô nức tham gia chiến dịch, chẳng quản bom đạn, khó khăn, đoàn kết, tích cực cùng với nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương... Nhiều gia đình mang cả ngựa thồ, thuyền, mảng đi chở vũ khí, lương thực phục vụ Chiến dịch tới vài ba tháng. Nhiều người đã hết thời gian quy định vẫn tình nguyện phục vụ lâu thêm.

Tái hiện cảnh vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ trên bức tranh Panorama

trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Phương Liên)

Theo báo cáo của Khu ủy Tây Bắc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đóng góp: Gạo 2.666 tấn (vượt mức giao 64 tấn); thịt 226 tấn (vượt 43 tấn); rau xanh 210 tấn. Huy động được 16.972 dân công, tương đương 517.210 ngày công; 348 con ngựa thồ; 38 thuyền mảng; hơn 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo vượt qua.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã góp được 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau, 64.070 ngày công. Tỉnh Yên Bái cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu, bò, 489 con lợn và 2.700kg ngô, đỗ, lạc; huy động 31.652 lượt dân công, trung bình cứ 4 người dân thì có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công tiêu biểu có anh Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở Đồng Khê (Văn Chấn - Yên Bái) đã dũng cảm chở hàng an toàn vượt qua những trọng điểm ác liệt, được Bác Hồ tặng quà và huy hiệu của Người.

Về phương tiện vận chuyển lương thực, hàng hóa vào chiến trường, ta chủ trương vận chuyển bằng phương tiện cơ giới là chính, bên cạnh khai thác những phương tiện vận chuyển nửa thô sơ và thô sơ như: xe thồ, xe ngựa, xe trâu, xe cút kít, xe quệt, bè, mảng... Trong đó, xe đạp thồ được huy động tới mức tối đa, số lượng lên tới 20.000 chiếc. Mỗi xe thồ lúc đầu chở 100kg, sau đó nâng lên 200, 300 kg. Năng suất xe đạp thồ gấp hơn mười lần dân công gánh bộ. Tính ưu việt của xe đạp thồ là còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng trước đây.

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công trình mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong oằn vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú "voi con” đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng, người Thái, người Dao…, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận".

Tổng kết công tác hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ ghi nhận những con số ấn tượng: Có tổng cộng 34.931 dân công phục vụ trực tiếp cho chiến dịch Điện Biên Phủ (28.619 dân công đi bộ, 6.312 dân công đi cùng với xe đạp thồ, tương ứng với 6.312 xe đạp thồ), trong đó gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc (gọi chung là liên khu Việt Bắc).

Họ đã góp phần xương máu làm nên kỳ tích bảo đảm hậu cần cho 87.000 bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu. Cả nước (gồm cả những người trực tiếp phục vụ ở tiền tuyến và những người ở hậu phương) đã vận chuyển hơn 20.000 tấn lương thực, đạn dược cho hỏa tuyến; dân công lên tới 261.453 người, 20.991 xe đạp thồ, 914 ngựa, 736 xe trâu kéo, 1.000 thuyền; bè, mảng; tổng cộng 12 triệu ngày công. Về thực phẩm, chỉ tính từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, riêng các tỉnh liên khu Việt Bắc đã cung cấp 454.352 tấn thịt trâu, bò; 181.644 tấn đỗ, lạc; 42.456 tấn đường…

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận “tháng cuối của chiến dịch, cả vùng Tây Bắc mưa tầm tã nhưng nhiệm vụ hậu cần vẫn hoàn thành trên các mũi tiến công trong mọi tình huống. Lương thực, đạn dược đầy đủ, không bị ẩm mốc. Trong chiến hào đánh lấn, lửa đạn mịt mù, chiến sĩ ta vẫn có cơm ăn, nước uống”.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, chiều ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Thuyền vượt ghềnh thác đưa hàng ra tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Ngay ngày hôm sau (8/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Bức thư có đoạn viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Sau này, khi cả hai bên Việt Nam, Pháp tổng kết chiến tranh, phía Pháp đã kết luận: quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ cơ bản là do không đánh giá được hết sức mạnh tinh thần của Việt Minh. Quân Pháp không thể tưởng tượng Việt Minh lại có thể huy động được sức người, sức của to lớn đến như vậy. Chỉ bằng những đôi chân, đôi tay và đôi vai, những chiếc xe đạp thồ, những chiếc bè mảng, những con vật kéo… hết sức thô sơ trên những con đường mòn hiểm trở nhưng đã vận chuyển được một khối lượng hàng hoá, lương thực, đạn dược khổng lồ phục vụ cho tiền tuyến.

Chính nhờ sức mạnh to lớn ấy, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng và trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh liên khu Việt Bắc mà chúng ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ vô cùng oanh liệt. Trận đánh ấy về sau đã được thế giới tôn vinh là một trong những trận chiến tiêu biểu của lịch sử chiến tranh thế giới và tiêu biểu của thế kỷ XX./.

 

 

 

 

Nguồn: dangcongsan.vn
Số lần đọc: 1725

Tin liên quan