(KGO) - Chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” kỳ này, Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang thông tin về công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
- Phóng viên: Thực trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay ở địa bàn tỉnh Kiên Giang như thế nào, thưa đại tá? - Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Hiện nay tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp. Mặc dù lực lượng công an đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, tuy nhiên tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và toàn xã hội để ngăn chặn loại tội phạm này. Những tháng đầu năm 2024, lực lượng công an phát hiện, tiếp nhận, xử lý 22 vụ, thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 26 tỷ đồng. Ngoài vụ việc được phát hiện thì còn một số vụ việc người dân chưa báo cơ quan công an do nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi rất mong khi phát hiện hoặc là bị hại trong các vụ việc lừa đảo, người dân đến cơ quan công an trình báo để được tiếp nhận, xử lý. - Phóng viên: Thời gian qua Công an tỉnh đã triển khai đấu tranh với loại tội phạm này đạt được những kết quả như thế nào? - Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Thời gian qua, lực lượng công an toàn tỉnh có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch của Bộ Công an và Công an tỉnh về đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là một trong những tội phạm mà lực lượng Công an tỉnh rất quan tâm bởi đây là loại tội phạm chiếm đa số. Do vậy, chúng tôi quan tâm công tác phòng ngừa, tuyên truyền, tập trung vào một số đối tượng dễ bị lợi dụng. Chúng tôi chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động và tác hại của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm và tích cực tham gia cùng lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Chúng tôi kịp thời phát hiện những tài khoản có nghi vấn, tài khoản nghi ngờ tham gia vào các đường dây hoặc tổ chức lừa đảo để kịp thời xử lý và có thể triệt tiêu ngay từ ban đầu. Tất cả tin báo tố giác về lừa đảo trên không gian mạng đều được cơ quan công an các cấp trong tỉnh tiếp nhận và tiến hành xử lý. Đây là loại tội phạm gặp không ít khó khăn khi xử lý nhưng với sự hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giải pháp, biện pháp của các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và phối hợp với các cơ quan công an địa phương khác, chúng tôi đã thực hiện được nhiều chuyên án.
- Phóng viên: Đại tá cho biết cụ thể hơn về hình thức, chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng là gì?
- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Hiện nay hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hình thành các nhóm đối tượng nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng... chủ yếu bằng các hình thức, chiêu trò như: Thứ nhất, sử dụng tổng đài ảo (VoIP) giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát... để hù dọa nạn nhân sau đó cung cấp tài khoản để nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Thứ hai, sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) làm quen với nạn nhân rồi tán tỉnh, yêu đương, hứa hẹn tặng tiền, quà có giá trị rồi phối hợp với đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay lừa đóng thủ tục hải quan, thuế để nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt. Thứ ba, lợi dụng kẽ hở trong thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu rồi làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng, mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội... sau đó chiếm đoạt tài sản. Thứ tư, chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, sau đó cung cấp thông tin giả lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền để chiếm đoạt.
Người dân tìm hiểu phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng qua mạng xã hội Facebook. - Phóng viên: Để đấu tranh, xử lý hiệu quả các loại tội phạm trên không gian mạng, thời gian tới, Công an tỉnh có những giải pháp trọng tâm gì và có những khuyến cáo gì cho tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa loại tội phạm này? - Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Chúng tôi xác định cần tập trung tất cả các giải pháp, đặc biệt là đầu tư các phương tiện, thiết bị và nhân lực có kiến thức trong lĩnh vực không gian mạng, an ninh mạng…, nhất là sự tham gia của người dân là yếu tố quyết định. Sự tham gia của người dân, tích cực giúp đỡ, cung cấp thông tin cho lực lượng công an để chúng tôi kịp thời phát hiện những băng nhóm, tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.
Chúng tôi chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình các đối tượng, băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với những vụ án được phát hiện để răn đe, giáo dục và tuyên truyền đến người dân. Các ngành, các cấp và lực lượng công an tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm trên không gian mạng, các vấn đề có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm trang bị cho mỗi cá nhân kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, là yếu tố then chốt giúp tạo dựng không gian mạng an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế số, xã hội số một cách bền vững. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân phải định danh, xác thực điện tử. Khi cần thiết người dân có thể tham khảo thông tin đáng tin cậy như cổng thông tin điện tử của các ngành, nhất là cổng thông tin điện tử của Chính phủ, ngành công an… Tất cả thông tin nghi ngờ cần phải kiểm tra thật kỹ, cần thiết phải xác thực bằng đời thực. Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng để lừa đảo. Cảnh giác đối với những chiêu trò nhận thưởng qua mạng khi yêu cầu nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Khi nhận được tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người thân, bạn bè, người quen nhờ mua thẻ cào điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền, người dân cần gọi trực tiếp để xác nhận thông tin người nhờ, không nói chuyện qua các ứng dụng như Zalo, Facebook, Telegram,... Người dân không nên mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, nhất là những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, cần thận trọng khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên mạng.
Người dân cũng cần cảnh giác với đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Công an tỉnh đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, khi phát hiện tội phạm lừa đảo kịp thời báo ngay cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết. - Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 1857
|
Tin liên quan
|