Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng. Người đã dạy rằng: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa.
*Vai trò, vị trí quan trọng của người thầy và phương pháp dạy học
Theo bài viết của Trương Thị Nguyệt, Tạp chí xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá vai trò quan trọng của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ mà Người còn làm rõ về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của giáo dục và dạy học, định hướng cho chúng ta khi xác định phương pháp và phong cách dạy học: Học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tế; Dạy học phải chú ý đặc điểm đối tượng, phải biết dạy cho ai; Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời;...
Bác Hồ đã căn dặn mọi người: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Lênin khuyên chúng ta: Học, học nữa, học mãi. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó.
Từ đó, Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XI (2011) của Ðảng, cũng như trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo và luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước". Phát triển giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ đủ sức gánh vác sứ mệnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, đó là kỳ vọng của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, cũng là khát vọng cao đẹp của nhân dân, đất nước ta.
|
Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh minh hoạ)
|
*Đừng làm vẩn đục truyền thống tôn sư trọng đạo
Là người Việt Nam, hẳn ai chẳng thuộc câu: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, vì thế đến ngày 20/11, khắp nơi lại bừng lên sự tri ân của học trò để thầy cô yêu nghề hơn. Thế nhưng gần đây sự tri ân ấy lại mang cả sự tính toán thiệt hơn đang làm vẩn đục truyền thống tôn sư trọng đạo.
Có không ít phụ huynh và cả học sinh, sinh viên đã lợi dụng ngày này để toan tính, hơn thiệt. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội coi đây là dịp để biến thành sự trao đổi, “mua chuộc” phục vụ cho mục đích không chính đáng của mình. Việc này vô hình tạo ra ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và suy nghĩ còn non nớt của các em học sinh, rằng quà tặng mang ý nghĩa trân trọng gửi đến các thầy, cô giáo thật ra chỉ là một sự gửi gắm, đút lót, nịnh nọt; rằng xã hội thời nay cũng thực dụng lắm, ngay cả nghề giáo, một nghề vốn được cả xã hội tôn vinh với những ý nghĩa tốt đẹp của nó, hóa ra cũng có cảnh “tiền trao cháo múc”, chút gì đó mang tính chất thương mại, trao đổi….
Số đông những nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, điều họ mong mỏi nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò, vì vậy, mỗi người hãy thể thiện lòng tôn vinh, sự tri ân các thầy cô giáo của mình bằng chính với tấm lòng trân trọng thành kính, chứ không phải là sự toan tính, thiệt hơn, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được người Việt ta gìn giữ lưu truyền bao đời.
Tải tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 11/2015 tại đây
NGUỒN TWĐ
Số lần đọc: 23519
|