• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giải phóng phụ nữ và chăm lo cho công tác phụ nữ. Người luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

                                                 Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh: TL                                                                                          

Khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, áp bức, Nguyễn Ái Quốc luôn nung nấu ý chí phải giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, giải phóng con người, trong đó có giải phóng phụ nữ. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp" được xuất bản năm 1925, Người đã tố cáo những hành động phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược đối với phụ nữ Việt Nam: “Một người Âu mắng phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn... bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ bắt họ tránh không làm nghẽn lối đi".

Đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội và đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ tột cùng mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến. Vì vậy, Người luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng phụ nữ, tôn trọng phụ nữ: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ".

Trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Trong diễn ca “Lịch sử nước ta", Người nói về phụ nữ: Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời". Nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ 8/3/1952, Người gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối bức thư, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Ngày 20/10/1966, tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn phụ nữ không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm làm chủ xã hội, làm chủ đất nước. Tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 9/3/1961, Người nói: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...".

Ngày 30/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến dự Đại hội liên hoan Phụ nữ “Năm tốt". Phát biểu tại Đại hội, Người mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “Năm tốt" sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng".

Đánh giá công lao của phụ nữ trong kháng chiến chống ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước". Ghi nhận những cống hiến to lớn của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Người đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc tới phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất.Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ vươn lên khẳng định mình. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…". 

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 4912

Tin liên quan