• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nêu lên khát vọng phát triển đất nước, nhưng đồng thời phải theo tư tưởng Hồ Chí Minh là khơi dậy được quyết tâm, nghị lực của dân tộc ta: “Lấy sức ta mà giải phóng cho ta", lấy sức ta để xây dựng, phát triển đất nước chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem hình mẫu xây dựng Thủ đô Hà Nội, năm 1959. Ảnh: TL

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Văn kiện Đại hội có rất nhiều điểm mới, mang tầm chiến lược cho một giai đoạn mới của đất nước. Riêng chủ đề của Đại hội đã thể hiện rõ điều đó, đặc biệt là cụm từ “khơi dậy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", tạo cơ sở cho chúng ta bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI với một bước phát triển mới và cũng là phấn đấu thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ kính yêu: Phấn đấu xây dựng non sông tươi đẹp, bước tới đài vinh quang, để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Như vậy, muốn thực hiện được mục tiêu và ước mơ cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội XIII xác định: Chúng ta phải khơi dậy động lực phát triển to lớn, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây thực chất là kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ rất sớm, Bác Hồ đã nung nấu một tinh thần yêu nước cháy bỏng. Và từ lòng yêu nước thiết tha đó, người đã thực hiện một bản lĩnh, một ý chí tự lực, tự cường rất cao để đi tìm đường cứu nước, với một khát vọng nhất quán mà Bác đã nói nhiều lần: “Đối với tôi, cái điều thiêng liêng nhất, ham muốn tột bậc nhất, đó là làm sao cho dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào được hạnh phúc".

Và trong các bài nói, bài viết của mình, Bác thường nhấn mạnh: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn náu nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là cho ích nước, lợi dân".

Quay trở lại nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, ta thấy Bác rất quan tâm đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Bác từng viết: “Chúng ta phải phấn đấu để đưa các dân tộc chúng ta đi tới một tương lai tươi sáng, làm cho Tổ quốc phồn vinh hơn, làm cho con người được sống hạnh phúc hơn".

Từ khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nêu lên khát vọng phát triển đất nước, nhưng đồng thời phải theo tư tưởng Hồ Chí Minh là khơi dậy được quyết tâm, nghị lực của dân tộc ta: “Lấy sức ta mà giải phóng cho ta", lấy sức ta để xây dựng, phát triển đất nước chúng ta. 

Bác Hồ chính là hiện thân của sự mẫu mực nhất về tinh thần này. Ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng, bằng sức lực của mình. 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người tự mình làm giàu trí tuệ của mình, học hỏi trong lý luận, học thực tiễn trong phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của công nhân các nước thuộc địa, tự học ngoại ngữ, tự kiếm sống, tự lực tự cường để rồi cuối cùng đi đến chân lý chung, chân lý đúng đắn nhất: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Trong suốt cuộc đời cách mạng, Bác Hồ luôn đánh giá rất cao sức mạnh lòng yêu nước của nhân dân ta. Đó là một truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, trở thành tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại. Từ lòng yêu nước đã nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước và nó giữ một vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh vô địch trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước.

Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là một quá trình học tập, tiếp thu bên ngoài, mà là quá trình tự trải nghiệm của chính bản thân mình. Tư tưởng, đạo đức, phong cách đó không có sự phân cách. Những gì Bác nói là những điều Bác làm; những điều Bác đúc kết là những điều Bác trải nghiệm. Chính vì thế, tư tưởng của Bác về tự lực cánh sinh, về khát vọng phát triển đất nước có một sức sống rất mãnh liệt.

Nhìn lại quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời, đến giành được chính quyền năm 1945, rồi tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1946 - 1954, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc..., thì tư tưởng tự lực cánh sinh, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có một sức mạnh to lớn. Tư tưởng đó dẫn dắt và truyền cảm hứng, truyền nghị lực, quyết tâm cho cả dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng đưa ra một tầm nhìn chiến lược, một mục tiêu phát triển rất cao cho 3 mốc thời gian: Đến năm 2025, năm 2030, năm 2045, thể hiện mong ước, quyết tâm đưa đất nước phát triển lên một bước mới. Điều này thể hiện niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời kỳ mới.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 4937

Tin liên quan