Cách đây 74 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Bác Hồ dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, tháng 12/1966. Ảnh: TL Để giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng đất nước, sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công". Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người chỉ rõ, mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm. Vì vậy, theo Người: “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua"; “ai cũng phải thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc". Người khẳng định: “Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng"; “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc". Cuối cùng, Người kêu gọi: “Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên!". Từ nội dung của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy, Người đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất". Mục đích thi đua là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Nội dung thi đua yêu nước phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân". Về phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua", nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là những quan điểm, đường hướng, là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua, khen thưởng trong từng giai đoạn cách mạng. Tư tưởng thi đua yêu nước của Người có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, hy sinh gian khổ và giành những thắng lợi to lớn. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, tư tưởng thi đua yêu nước của Người luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến", “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Đáp lời kêu gọi của Người, Đảng và Chính phủ đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Tuần lễ vàng", “Bình dân học vụ", “Đời sống mới", “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu", “Ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương"... Các phong trào này đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào năm 1954. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Đảng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/1/1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từ đó hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức. Điển hình là các phong trào: “Sóng Duyên Hải", “Gió Đại Phong", “Cờ Ba nhất", “Trống Bắc Lý", “Thanh niên ba sẵn sàng", “Phụ nữ ba đảm đang", “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Các phong trào thi đua đã tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả, như: “Xóa đói, giảm nghèo", “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Tuổi trẻ sáng tạo", “Lao động giỏi, lao động sáng tạo", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", “Thi đua quyết thắng", “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu", “Thi đua dạy tốt, học tốt", “Vì Trường Sa thân yêu", “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Và gần đây, các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"… đang được cả nước tích cực thực hiện có hiệu quả. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX), về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI), về tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII), về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc... Năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, khen thưởng; năm 2013 ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg, về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày càng hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước và đi vào cuộc sống. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai rộng lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt", các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học, kịp thời hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng. Kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người. Vận dụng tư tưởng của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thi đua thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước hiện nay.
Số lần đọc: 4792
|
Tin liên quan
|