• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL

Cần tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhóm vấn đề: Về con đường của cách mạng Việt Nam; Về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Về nhân dân, đại đoàn kết dân tộc; Về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam; Về phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; Về xây dựng Đảng; Về đạo đức.

1. Về con đường của cách mạng Việt Nam

Bằng hoạt động thực tiễn và tư duy lý luận, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" và “không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Người khẳng định vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có mối quan hệ chặt chẽ lẫn nhau. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết. Độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do đảng cộng sản lãnh đạo. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng bị áp bức, trong đó vai trò động lực cách mạng là của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đặt vấn đề giải phóng con người, hạnh phúc của con người ở mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng. Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có 2 giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân lao động tự quyết định con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức bởi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.

2. Về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là một chế độ do nhân dân làm chủ. Nhà nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức; là một xã hội công bằng và hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng, các dân tộc đều bình đẳng; chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ những vấn đề chung đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục tiêu và động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phải xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp và nông nghiệp hợp lý và phải tiến hành công nghiệp hóa; chỉ ra các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ; chỉ ra việc phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng bản chất cách mạng và ý thức chính trị cho quân đội; về xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân.

Những tư tưởng của Người được Đảng ta quán triệt và vận dụng cụ thể trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là trong các văn kiện đại hội Đảng, qua đó định hướng rõ về nội dung, mục tiêu, phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

3. Về nhân dân, đại đoàn kết dân tộc

Về nhân dân, theo Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của dân". Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Người từng nói với cán bộ: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được". Là công bộc, là đầy tớ của dân, thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Về đại đoàn kết dân tộc, theo Hồ Chí Minh đoàn kết là làm ra sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi, là then chốt của thành công. Người đã nhiều lần nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài... Ai có tài, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ".

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải kế thừa truyền thống yêu nước- nhân nghĩa- đoàn kết của dân tộc. Để thực hành đoàn kết rộng rãi cần có niềm tin vào nhân dân, với đại đa số là công nhân, nông dân. Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng phần “thiện" dù nhỏ nhất ở mỗi con người để lôi kéo, tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.

Hồ Chí Minh đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công.

Đại đoàn kết dân tộc là bài học xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết để xây dựng thành công một nước Việt Nam độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại đoàn kết đòi hỏi phải: Xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, một Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, một hệ thống chính trị có hiệu lực, hiệu quả; tập hợp rộng rãi nhất mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chủ động xác định rõ các bước hội nhập quốc tế. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại sẽ tạo nên sức mạnh vô địch cho cách mạng Việt Nam.

4. Về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

Về văn hóa, theo Hồ Chí Minh, văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích sống của loài người.

Theo nghĩa hẹp, văn hóa là kiến trúc thượng tầng; là trình độ học vấn của con người.

Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa dân tộc phải xây dựng trên các nội dung sau: Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập, tự cường; Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; Xây dựng chính trị: dân quyền; Xây dựng kinh tế.

Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Tư tưởng văn hóa của Người đã được thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta cũng như của thế giới qua gần một thế kỷ kiểm nghiệm, xác nhận là những tư tưởng mang tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo, tính thực tiễn sâu sắc, tiêu biểu cho cả nền văn hóa tương lai.

Về con người, Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả". Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị truyền thống, tốt đẹp của con người truyền thống Việt Nam. Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên...); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược trồng người là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện chiến lược trồng người có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu.

5. Về phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Về phát huy dân chủ, theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa dân là chủ. Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhà nước do nhân dân làm chủ", “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ". Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ", mọi quyền hành đều ở nơi dân, nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Trong quan hệ giữa dân và Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm, dân là chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Hồ Chí Minh coi dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Dân chủ không dừng lại với tư cách như là một thiết chế xã hội của một quốc gia, mà còn có ý nghĩa biểu thị mối quan hệ quốc tế, hòa bình giữa các dân tộc. Đó là dân chủ, bình đẳng trong mọi tổ chức quốc tế, là nguyên tắc ứng xử trong các quan hệ quốc tế.

Về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, theo Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân là tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Nhà nước do nhân dân là nhà nước do nhân dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý. Nhà nước vì dân là nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Tất cả vì lợi ích của nhân dân, không có bất cứ một lợi ích nào khác.

Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải: Tuyệt đối trung thành với cách mạng; hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; phải có liên hệ mật thiết với nhân dân; phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; phải thường xuyên tự phê bình và phê bình.

6. Về xây dựng Đảng

Chủ nghĩa Mác- Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Đây không chỉ là đặc thù của Việt Nam mà còn là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền, nhưng là quyền do nhân dân ủy nhiệm, nhân dân mới thực sự là chủ.

Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận.

Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng. Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, trong đó đức là gốc.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Người nhấn mạnh: Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài".

Người yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải chấp hành và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Đó là các nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Đoàn kết thống nhất phải dựa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin; Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức đảng các cấp.

7. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức 

Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ “sức có mạnh mới gánh được vật nặng và đi được xa", người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, nếu không có đạo đức làm nền tảng, làm cái căn bản thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đạo đức là tiêu chí đánh giá sự văn minh, cao thượng của xã hội, con người. Đạo đức giúp cho con người luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh làm người trong mọi hoàn cảnh. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi lẽ, có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác- Lênin, đưa chủ nghĩa Mác- Lênin vào cuộc sống.

Theo Hồ Chí Minh, những phẩm chất cơ bản của đạo đức cách mạng đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.

Hồ Chí Minh nêu 3 nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới trong xã hội và chính Người đã suốt đời không mệt mỏi tự rèn mình làm tấm gương để giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng thực hiện. Đó là: Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương: Suốt đời vì dân, vì nước; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt được mục đích; hết lòng yêu thương, quý trọng, phục vụ nhân dân; nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, luôn hết mực vì con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn.

* Tóm lại, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 4927

Tin liên quan