Chanh không hạt (Lime) (Citrus latifolia) được du nhập vào Việt Nam những năm 1990. Quả chanh không hạt có đường kính khoảng 6cm, so với chanh ta (Citrus aurantifolia) thì có kích thước lớn hơn, không hạt, cứng hơn, thân cây không có gai hoặc gai nhỏ, quả tạo thành chùm, vỏ mỏng, nước quả ít chua hơn và không có vị đắng như chanh ta.
Chanh không hạt phát triển nhanh, sau trồng khoảng 12 – 15 tháng bắt đầu cho trái. Trong điều kiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chanh có thể cho trái quanh năm. Thời gian khai thác kinh doanh trên 10 năm.
Chanh không hạt có thể trồng trên đất phèn, tuy nhiên để đạt hiệu quả cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau: 1. Gốc ghép
Đối với vùng đất nhiễm phèn, các chỉ số về độ hữu dụng của những nguyên tố dinh dưỡng và pH đều thấp. Do vậy, chọn gốc ghép có thể khắc phục được những hạn chế của đất nhiễm phèn là điều kiện tiên quyết giúp cây có thể phát triển tốt nhất.
Giống được chọn làm gốc ghép phải có khả năng tiếp hợp tốt với bo ghép. Bên cạnh đó, gốc ghép phải vượt trội về khả năng kháng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thối rể do nấm Fusarium sp gây ra, thích nghi tốt với các điều kiện đặc trưng như: Mực thủy cấp cao, đất có thành phần sét tương đối nặng,… Hiện nay, trong thực tế sản xuất giống chanh không hạt ở ĐBSCL có khá nhiều giống cây có múi được bà con nông dân chọn làm gốc ghép cho chanh không hạt: Chanh Volka, chanh Bông tím (Citrus aurantifolia), cam Mật (Citrus sinensis). Tuy nhiên, gốc ghép từ hạt chanh Bông tím và cam Mật hiện nay được bà con nông dân ưa chuộng hơn. Kiểu hình trái từ hai gốc ghép này cũng không thay đổi so với đặc tính giống gốc ban đầu của chanh không hạt, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu. 2. Bo ghép
Việc chọn mắt ghép sạch bệnh cũng là yếu tố tiên quyết cho thành công vườn chanh không hạt. Cây mẹ dùng nhân giống phải đảm bảo có đầy đủ đặc tính của giống gốc về kiểu hình và chất lượng trái. Bo ghép phải được lấy từ vườn cây dầu dòng được công nhận và không nhiễm sâu hại nguy hiểm.
Khi chọn nguồn cây mẹ nhân giống chanh không hạt cần lưu ý đến hiện tượng xoán lá trên chanh. Hiện tượng xoán lá trên chanh không hạt hiện nay khá phổ biến trên các vườn chanh được trồng ở ĐBSCL, tỷ lệ xuất hiện khoảng 3 – 5%. Tuy nhiên hiện tượng này chưa được nghiên cứu nhiều. Nhưng qua ghi nhận trong thực tiễn sản xuất, bệnh có nhiều khả năng lây truyền qua vật liệu nhân giống. Cây nhiễm bệnh có hiện tượng lá xoán lại, gợn sóng, nhiều trường hợp gân lá nổi lên, lá giòn. Cây chỉ biểu hiện triệu chứng sau khi trồng từ 1 – 2 năm. Những cây nhiễm bệnh này thường ra bông rất nhiều nhưng không đậu trái. 3. Khoan thăm dò tần phèn tiềm tàng
Trong quá trình thiết kế vườn trồng chanh không hạt từ nền đất lúa hoặc rau màu, khâu khoan đất thăm dò độ sâu tầng phèn tiềm tàng là rất quan trọng. Xác định chính xác vị trí sẽ giúp nhà vườn không đưa lớp phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động gây hại cho rễ cây.
Quá trình khoan phẩu diện đất cần dụng cụ chuyên dùng. Nếu là tầng phèn tiềm tàng sẽ phản ứng với H2O2 sinh ra khí H2S làm đổi màu giấy quỳ tím. 4. Một số lưu ý khi sử dụng phân bón
Một trong các trở ngại chính của cho cây chanh nói riêng và cây trồng nói chung trên vùng đất nhiễm phèn đó là hàm lượng ion Fe, Al cao, gây độc cho rễ cây và pH thấp làm giảm khả năng hấp thu các dưỡng chất của hệ rễ.
Khi bón phân có thành phần Lân (P) vào đất, một phần P sẽ bị ion Fe, Al phản ứng tạo thành phosphat Fe và Al khó tan. Vì vậy, trồng chanh trên vùng đất nhiễm phèn cần lưu ý đến gia tăng hàm lượng P trong chế độ bón phân, đáp ứng nhu cầu về P của cây chanh. Bên cạnh đó, tăng cường bón Lân còn giúp hạn chế sự di động ion Fe và Al, biến chúng trở thàng dạng kết tủa, khó tan, giảm độc chất gây hại trực tiếp lên bộ rễ. Trong canh tác chanh không hạt trên vùng phèn, vấn đề nâng cao độ pH đất cũng rất quan trọng. Trong cơ chế hấp thu dinh dưỡng chủ động của hệ rễ cây, việc trao đổi liên tục 1 lượng tương đồng anion và cation giữa hệ rễ và môi trường bên ngoài đã giúp cây có thể hấp dinh dưỡng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với điều kiện pH đất thấp đồng nghĩa với lượng ion H+ trong đất cao, điều này làm mất cân bằng ion giữa hệ rễ và môi trường ngoài khiến cơ chế hấp thu dinh dưỡng chủ động của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vây, sử dụng vôi nhằm nâng dần pH trong môi trường đất là việc làm cần thiết trong kỹ thuật canh tác. Khi sử dụng vôi bón cho cây trồng, chúng ta cần lưu ý điểm quan trọng sau: khi bón vôi, ion OH- sẽ kết hợp với H+ trong môi trường đất giúp pH đất gia tăng. Tuy nhiên ion Ca+ cũng sẽ được phóng thích và có thể tạo kết tủa khó tan với một số thành phần dinh dưỡng trong đất. Vì vậy, việc bón vôi cho cây trồng cần cách xa thời điểm bón phân từ 7 – 10 ngày. Bên cạnh đó, kỹ thuật lên mô cao và rộng, kết hợp với sử dụng nguồn nước tưới không bị nhiễm phèn sẽ tạo thuận lợi cho khâu rửa phèn, giảm độc chất cho cây trồng. Sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hóa học dạng đơn, dễ tiêu cũng là một số lưu ý quan trọng trong việc đảm bảo cho cây chanh không hạt phát triển tốt nhất. Bảng hàm lượng NPK khuyến cáo bón cho chanh trên vùng đất nhiễm phèn Đơn vị: gam/cây/năm
5. Cắt tỉa tạo tán cho cây
Không riêng gì chanh không hạt, ở các loại cây có múi khác, việc cắt tỉa, kiến thiết tán cây ngay từ giai đoạn phát triển dinh dưỡng là cần thiết giúp gia tăng năng suất và chất lượng trái sau này. Trong kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, yếu tố cơ bản là giúp cây có được bộ khung chính vững chắc, phân bổ đều theo các hướng và không đan xen nhau. Kỹ thuật này giúp cây có bộ tán vững, thông thoáng, ánh sáng mặt trời phân bố đều trong tán cây, giúp cây quang hợp tốt, hạn chế sâu bệnh.
Song song đó, kỹ thuật cắt tỉa nhằm tạo ra nhiều cành thứ cấp, hạn chế tối đa những cành vươn dài (quá 40 cm). Phương pháp này giúp cây hình thành nhiều chồi có chức năng mang trái, từ đó gia tăng năng suất đáng kể cho vườn chanh không hạt. Do chanh không hạt có khả năng sinh trưởng mạnh, phát triển nhanh vì vậy, công tác cắt tỉa cành cần được thực hiện thường xuyên trên vườn. Ngoài ra, kỹ thuật cắt tỉa cành giúp kích thích cây phát triển rễ mới, giúp cải thiện quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng.
ĐH (Nguồn: khuyennong.vn)
Số lần đọc: 3453
|
Tin liên quan
Các vật liệu sáng tạo(06.11.2019)
Trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng(06.11.2019)
Đánh thức đất hoang nhờ trồng cây dược liệu(31.10.2019)
Những lưu ý khi trồng mít Thái ở miền Nam(30.10.2019)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc(22.10.2019)
|