1. Trò chơi gọi tên:
- Cách chơi: trò chơi này có thể tiến hành trong phòng hoặc ngoài trời tùy điều kiện sinh hoạt. Các em ngồi thành vòng tròn, tập trung chú ý vào quản trò. Quản trò nói: “Gọi tên 3 học cụ gồm 3 chữ!” và chỉ bất cứ em nào trong vòng tròn. Tức thì em đó phải trả lời , thí dụ: “bút, mực, tẩy”. Quản trò lại hô: “gọi tên 4 súc vật gồm 4 chữ”, các em trả lời ngay: “bò, gà, heo, chó…”. Nếu ngập ngừng, quản trò bèn đếm từ 1 dến 3, vẫn không nói được em đó phải ra khỏi vòng và bị phạt.
2. Trò chơi làm toán cộng:
- Cách chơi: bắt đầu quản trò nói nhỏ với em đứng cuối của mỗi đội 1 con số nào đó, em này chạy về đội mình, lấy số đó (thí dụ số 11), cộng thêm 1 (là 12) dùng ngón tay viết kết quả lên lưng người bạn ngồi trước mình. Bạn thứ hai nhận được số chuyền từ dưới, cũng cộng thêm 1 (là 13) và viết lên lưng người bạn tiếp theo. Đến người cuối ngồi đầu hàng, cũng nhận con số mới rồi cộng thêm 1 và lấy kết quả lên báo với ngưồi quản trò.
- Luật chơi:
1 - Đội nào lên báo cáo đúng kết quả, nhanh sẽ thắng.
2 - Khi chuyền số, các em chỉ được viết lên lưng bạn, không được nói.
3. Trò chơi quê hương giàu đẹp:
- Cách chơi: Các em tham gia trò chơi ngồi thành vòng tròn, vừa vỗ tay vừa hát. Khi quản trò thổi 1 tiếng còi “tích” và chỉ vào một em nào đó, nói tên một địa phương, thí dụ “Phú Quốc”, em được chỉ sẽ trả lời đặc sản của Phú Quốc là: “nước mắm”. Hoặc khi quản trò vừa hô (vừa chỉ một em khác): “Biên Hòa” em đó sẽ trả lời là : “bưởi”.
- Luật chơi:
1 - Em nào không trả lời được tên của đặc sản, hoặc nói sai sẽ bị thua và chịu hình phạt của tập thể.
2 - Quản trò phải qui định thời gian trả lời, để trò chơi thêm linh hoạt.
4. Trò chơi 4 mùa:
- Cách chơi: Quản trò đứng giữa vòng tròn, chỉ 1 em và nói tên 1 mùa, em đó sẽ nói về thời tiết mùa ấy, thí dụ: “Mùa đông” – “lạnh”. Các em có thể nói về khí hậu hoặc về các ngày kỷ niệm… trong thời gian đó, tùy theo sự thống nhất trước của tập thể.
- Luật chơi:
1 - Các em phải đóan thật nhanh; đáp chậm dù đúng cũng bị phạt.
2 - Khi em nào trả lờ sai, quản trò chỉ cho biết sai chỗ nào, câu đáp đúng là gì?
Tác giả: HUỲNH TOÀN (Trưởng Khoa Kỹ năng - Trường Đoàn Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh)