• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Mo So là căn cứ địa cách mạng của Quân khu IX, căn cứ cách mạng của Huyện ủy Hà Tiên, nay thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương. Đây là địa chỉ đỏ và còn là chứng tích lịch sử cho điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C từ Bắc vào Nam, thông qua tỉnh Kampot của Vương quốc Campuchia về vùng U Minh Thượng.

Các cựu chiến binh thăm lại Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Mo So, nhân kỷ 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Từ trung tâm hành chính huyện Kiên Lương, theo đường 971 hướng về Hòn Chông khoảng 2km, sau đó rẽ sang trái khoảng chừng 3km sẽ đến Di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So. Ở đây thuộc địa giới hành chính của ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương. Vùng ba núi này được hợp thành từ cụm núi đá vôi gồm núi Mo So, núi Sơn Trà và núi Mây. Trong đó, núi Mo So có hơn 20 hang động lớn, nhỏ ăn thông với nhau. Đặc biệt, trong lòng hang động của núi có những con suối ngầm chảy luồn trong hang và có nhiều thạch nhũ đa dạng. Theo nhiều tư liệu, tên gọi Mo So được lý giải rằng do đây là núi đá vôi gồm những tảng đá trắng khổng lồ chồng chất lên nhau,nên đồng bào Khmer gọi là núi đá trắng, theo tiếng Khmer là Thmo-so.

Trước đây, xung quanh núi Mo So là vùng đầm lầy, rừng sác hoang vu, địa thể hiểm trở không có người sinh sống. Chính vì địa hình đặc biệt này nên núi Mo So đã trở thành căn cứ kháng chiến trong cả thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1947, Công binh xưởng 18 thuộc Quân khu IX được thành lập tại hang núi Mo So thực hiện nhiệm vụ sửa chữa súng, lựu đạn hư hỏng, sản xuất súng kíp, súng ngắn. Sau nhiều lần bị quân Pháp tấn công, đánh chiếm, Công binh xưởng đã bảo toàn lực lượng và thực hiện nhiệm vụ đến cuối năm 1951. Sau Hiệp định Giơnevơ ký kết, một số công nhân Công binh xưởng tập kết ra miền Bắc, một số đồng chí chuyển về Hòa Điền để xây dựng căn cứ bí mật mới.

Do vùng Kiên Lương - Hà Tiên tiếp giáp với biên giới Campuchia, nối liền đường 1C là hành lang chuyển quân, vũ khí, hàng hóa của quân cách mạng về Tây Nam bộ, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, quân ngụy đã tập trung lực lượng đánh phá ác liệt từ hạm đội trên sông đến chiến thuật trực thăng vận để ngăn chặn đường vận chuyển của ta. Để đảm bảo được hàng lang thông suốt, ngày 27/7/1969, căn cứ cách mạng của Hà Tiên đã chuyển về núi Mo So bám trụ. Bao gồm các bộ phận Huyện ủy, Quân ủy, Quân y, Giao bưu, Công an. Ngoài ra, các cơ quan còn phân bố đóng quân ở núi Sơn Trà và núi Cùi Thơm. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Mo So như cái gai trong mắt kẻ thù, vì đây là núi lớn có nhiều hang và hầu hết các lực lượng của ta đều đóng tại đây,nên chúng quyết đánh chiếm mục tiêu, cô lập nơi này. 

Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt, nguyên Chỉ huy phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Tiên cũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, với nhiệm vụ là người lính đặc công, ông đã cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, bám trụ ở căn cứ địa Mo So. Ký ức về Mo So là một quá khứ vẻ vang, hào hùng và cũng lắm đau thương của một thời tuổi trẻ mà ông và đồng đội đã trải qua chưa bao giờ mờ phai.

“Thời điểm ta vừa ổn định một vài ngày thì địch đưa quân thăm dò ở núi Sơn Trà và núi Cùi Thơm. Lúc bấy giờ, núi Sơn Trà ta bố trí hai trung đội là Trung đội 1 và Trung đội 2 của Huyện đội, còn Trung đội 3 thì đóng ở đầu núi Mo So, riêng núi Cùi Thơm thì cơ quan giao liên huyện đóng. Trước khi đánh, tụi địch cho máy bay ném bom quyết liệt, hết phi vụ này rồi đến phi vụ khác, pháo mặt đất ở Chi khu Kiên Lương, rồi pháo tàu ngoài biển bắn vào. Lúc này là vào mùa mưa, chúng không dùng lực lượng bộ binh tấn công ta nữa, chúng dùng phi cơ phi pháo, ném bom bắn phá chà xát, suốt một thời gian dài 3 tháng để chờ mùa khô. Trong thời gian đó, có lúc chúng dùng máy bay rải chất độc hóa học, rải bom râu nhằm bao vây chia cắt Mo So với bên ngoài, không cho ta ra vào để tiếp lương tải đạn" - Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt nhớ lại.

Liên tiếp những ngày sau đó, bom đạn của quân thù không ngừng trút xuống, bắn phá vào Mo So. Điên cuồng hơn, chúng đã dùng trực thăng, máy bay cần cẩu, phóng pháo, đổ xăng vào hang nhằm thiêu đốt quân ta. Cả vùng trời Mo So lửa đạn mịt mù, trơ đá, nhưng khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà vẫn luôn rực cháy trong trái tim người lính, giữ niềm tin vào Đảng, quyết phá vòng vây kẻ thù, mở đường ra vào cho Mo So và nối đường chiến lược 1C xuống tận U Minh. 

Một thời nơi chiến trường Mo So được thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt tiếp tục hồi ức: “Trong lúc chiến đấu chỉ có thương binh mới ăn được hai buổi cơm, còn số đồng chí mạnh khỏe mà trực tiếp chiến đấu là một bữa ăn cơm, bữa ăn cháo, phần nhiều là ăn với mắm ruốc. Anh em mà thèm rau xanh quá ban đêm mò ra kinh quơ nhổ rau dịu, cạc nai, kèo nèo rồi kể cả cỏ để nấu ăn… Sống trong hang thì chật chội, ẩm thấp, còn khi bị thương các nơi dồn vào hang Quân y. Lúc đó hang thường xuyên có khoảng là 30-40 thương binh, còn khi hy sinh thì đem ra ngoài chôn, bom pháo nó rải xuống thì thân thể nát hết. Bởi vậy chỉ quyết hành động để chiến đấu báo thù cho đồng chímình, chứ không hề hoang mang sợ sệt…".

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, giữa mọi âm mưu, thủ đoạn, uy hiếp tấn công bằng bom đạn, chất độc hóa học đã không khuất phục được ý chí, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ cách mạng… Quân ta đã lần lượt bẽ gãy tất cả các đợt tấn công của giặc, căn cứ Mo So vẫn tồn tại vững chắc như tượng đài chiến thắng. Từ tháng 7/1969 đến tháng 5/1971, trong các trận đánh tại chiến trường Mo So, quân cách mạng đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn quân địch, phá hủy hàng chục xe và bắn rơi nhiều máy bay của quân địch…

Những ngày cuối tháng 7 này, cựu chiến binh Lâm Thị Giang Thùy có dịp trở về thăm căn cứ Mo So, bà xúc động chia sẻ: “Thời chiến tôi là thanh niên xung phong, đơn vị đóng quân ở Việt Kháng 2, thuộc đập Bà Điều, kinh Vĩnh Tế, khi bị thương đã được đồng đội đưa về núi Mo So chữa trị. Giường cho bệnh binh chỉ được đóng từ cây rừng thôi, đóng tạm bợ để cho nằm cách mặt đất. Khi đến đây, một số bạn bè tôi đã nằm lại nơi này vì bịthương nặng quá…".

Ký ức về Mo So trong thời gian khổ, ác liệt của chiến tranh có lẽ sẽ không thể nào nhớ mà kể hết được. Giá trị của hòa bình, độc lập là máu xương, là cuộc sống của biết bao con người không có mặt trong hàng ngũ trở về. Chắc chắn rằng sự hy sinh, quên mình cho độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân bao giờ cũng là sự hy sinh thiêng liêng và cao đẹp nhất.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, căn cứ Mo So đã đóng vai trò quan trọng cho công cuộc giải phóng quê hương huyện Hà Tiên, nay là huyện Kiên Lương. Và Mo So cũng là một trong những căn cứ địa cách mạng góp phần cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Năm 1995, núi Mo So được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử và Thắng cảnh cấp quốc gia. Đây chính là lời nhắc nhở để mỗi thế hệ sau trên vùng đất Kiên Lương nói riêng và cả nước nói chung không được phép lãng quên tinh thần chiến đấu của thế hệ cha anh.

Sau giải phóng, vùng căn cứ xưa đã có những bước thay đổi. Theo tài liệu khảo cổ học, núi Mo So còn có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, loại hình địa chất đặc trưng của hệ sinh thái đá vôi đặc hữu. Là một thắng cảnh do thiên nhiên tạo dựng trên 200 năm, hiện Mo So còn ẩn chứa và lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, địa chất, địa mạo và là một trong những khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Kiên Giang. Hiện đây không chỉ là một địa chỉ về nguồn, mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách tham quan và thám hiểm. Theo đó, Mo So có hơn 20 hang lớn nhỏ, nhưng vào thám hiểm du lịch thì chỉ có 4 hang là hang Quân Y, hang Hậu Cần, hang Công Binh Xưởng và hang Huyện đội. 

Đồng chí Lê Thanh Hưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương, cho biết: “Khu Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Mo So là một địa chỉ đỏ luôn được huyện và tỉnh quan tâm. Hiện nay, di tích đang thông qua quy hoạch tổng thể, nếu được thông qua sẽ thực hiện các bước tiếp theo để kêu gọi đầu tư. Trong đó, sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng Đền thờ Liệt sĩ tại chân núi Mo So để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tương lai sẽ lấy khu Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Mo So là trung tâm để phát triển khu du lịch, hình thành kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, Chùa Vạn Hòa và kết hợp tour du lịch biển đảo, mà nổi bật là quần đảo Bà Lụa - Ba Hòn Đầm". 

Hơn 50 năm trước, lịch sử đã chọn Mo So là căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Giờ đây, với những gì đã làm được, hy vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kiên Lương có thể đánh thức những giá trị của Mo So. Rồi đây, Mo So sẽ trở thành điểm nhấn độc đáo, đầy tự hào trên tiến trình phát triển và hội nhập cho vùng đất Kiên Lương. 

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 1298

Tin liên quan